21 thg 12, 2012

Lo Tết cho mọi nhà trước khi nhà mình có Tết

Đất nước đã vào xuân, nhà nhà đã háo hức với một cái Tết mới sum họp gia đình và chúng tôi những người làm công tác chính sách đang phải căng sức mình để lo cho mọi người có một cái Tết đầm ấm, vui vẻ. Những ngày cuối năm, các cơ quan chơi dài chờ Tết còn ngành LĐTBXH đây là những ngày cao điểm. Thứ 7, Chủ nhật vẫn phải đi làm, lập danh sách quà Tết, chuẩn bị quà Tết, tiền trạm các đối tượng được lãnh đạo tỉnh, huyện thăm tặng quà, cấp phát kinh phí quà Tết cho đối tượng... Nói chung, những lúc này chẳng có thời gian mà nghĩ mình đã sắm được cho mình những gì để chuẩn bị đón Tết. Vất vả nhưng thấy lòng vui vui vì đó là một việc làm ý nghĩa.


Những em thơ vẫn khắc khoải chờ đón một mái ấm gia đình

Những người già vẫn gồng gánh cả một đời cực nhọc
Hơn 3000 đối tượng chính sách người có công, hơn 2000 hộ nghèo (hơn 5500 người nghèo) và gần 2500 đối tượng bảo trợ xã hội trên toàn bộ địa bàn huyện Kim Bảng (chiếm trên 8,5% dân số toàn huyện),đó là những người đang rất cần sự quan tâm, động viên, chia sẻ của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Họ sẽ thấy lòng ấm lên vì nhận được sự quan tâm bằng vật chất nhỏ bé nhưng đượm nghĩa tình, sự quan tâm. Chẳng biết từ bao giờ, tôi đã thấy mình phải làm việc thật tốt trong những ngày này để mong sao tất cả mọi người đều có một cái tết thật đầm ấm bên gia đình, vơi đi những nơi cực nhọc, thiếu hụt, mất mát của mình trong cuộc sống.
Ngày chủ nhật nhưng tôi cũng chẳng quản đường xa đến tận các hộ dân, làm tốt công tác chuẩn bị để các đoàn lãnh đạo tỉnh và huyện về thăm và tặng quà cho những đối tượng điển hình. Quần áo bụi bặm như đi cày, bình xăng thì chỉ vừa bơm hôm trước hôm sau đã cạn chẳng còn một giọt. Trông cảnh những người nghèo khó lòng tôi thấy xe lại. Họ mong có một cái Tết no đủ, cũng bánh chưng, thịt thà và xum vầy con cháu như những giấc mơ của họ nhưng điều đó chẳng bao giờ trở thành hiện thực. Họ mãi mãi là những người "ở dưới đáy xã hội", sống khắc khoải với những niềm mong ước nhỏ nhoi mà luôn rất khó thực hiện. Tôi vào một hộ gia đình nghèo, ngoài đường người ta tấp nập mua sắm Tết còn cô ấy nằm bẹt trên giường co người vào đống chăn nhăn nhúm, đồ đạc lỉnh kỉnh khắp nhà, hôi hám, ẩm mốc. Mọi người bảo cô ấy bị điên, đừng có đánh thức kẻo sẽ bị tấn công. Lúc đó tôi thầm nghĩ, họ còn sống để làm gì nhỉ? Làm chính sách gần 3 năm tôi vẫn chưa hiểu được, những đối tượng của mình sẽ nghĩ gì.
Một hộ gia đình thứ hai tôi bước vào, căn nhà không gọi là nhà được vì nó thiếu ánh sáng, thiếu không gian, thiếu sự an toàn. Tôi không dám vào chỉ dám đứng bên ngoài nhìn vào trong, chỉ có một cái giường, một đống những thứ lỉnh kỉnh và quần áo rách. Khổ thế. Một bà già hơn 70 tuổi, lưng còng, dáng vẹo, mắt ngẩn ngơ, miệng vẫn toe toét cười chẳng biết vì điều gì. Thấy tôi đến thẩn người ra, lóng ngóng mở cái cửa ọp ẹp. Cũng chẳng mời vào nhà cứ ngẩn ngơ đứng đó. Nghe nói bà này sống độc thân không chồng, không con, không người thân nương tựa chỉ biết sống bằng giúp đỡ của xã hội. Nhác nhìn sang bên cạnh, một ngôi nhà khang trang, cao ngất với đầy đủ những tiện nghi, tôi chợt chạnh lòng, sao sống trên đời hình như có những người sống chỉ để trả nợ cuộc đời là vậy. May mắn cho ai có một gia đình hoàn thiện, một mái ấm bình yên để thấy hào hứng, chào đón mỗi mùa xuân đến.
Tôi dắt xe trở về, lòng cứ khắc khoải bởi những hình ảnh của những người cùng khổ thấy thêm tự hào với nghề nghiệp của mình. Ít ra mình cũng đã mang đến niềm vui, sự chia sẻ nho nhỏ cho ai đó.
Tôi không còn thấy ái ngại vì phải đi làm ngày nghỉ nữa và lòng quyết tâm lắm: Lo Tết cho mọi nhà trước khi nhà mình có Tết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét