21 thg 12, 2012

Chuyện tình bên dòng sông (Phần 5)

Phần 5: “Thi sỹ tình yêu” và “Nữ tướng cầm cờ”

Từ những sự trùng hợp diễn ra trong cuộc gặp gỡ giữa Nguyên và Minh, ta đã bắt gặp hai con người với những sự khác biệt khá “dị” trong cuộc sống. Đó là hai con người với những khả năng của mình đã mang đến cho đời biết bao nhiêu những đóa hoa đẹp. Với Minh đó là sự đa năng, không thực sự chói sáng nhưng khá toàn diện còn với Nguyên đó là những sự tỏa sáng đến chói lóa của một trí tuệ lớn.
10 tuổi Nguyên được cử đi đào tạo tại trường năng khiếu của Sở TDTT còn 10 tuổi, thầy cô bắt đầu phát hiện ra khả năng văn chương của Minh. Minh được gọi vào đội tuyển HSG Văn của nhà trường khi còn học lớp 4 và chiến đấu tại các đấu trường trong tỉnh. Và suốt 8 năm sau đó, Minh luôn là sự lựa chọn số một không thể thiếu cho các đội tuyển HSG Văn. Chính đây là những sự lựa chọn đã tạo nên những bước ngoặt trong cuộc sống của Minh. Cùng với thời gian đó, Minh tham gia vào đội tuyển HSG của nhiều môn học khác như Toán, Lý. Nhưng với niềm yêu thích văn chương, Minh đã quyết tâm theo đuổi nó cho đến hết những năm học phổ thông. Mọi người biết đến Minh với một học sinh viết văn rất lãng mạn, viết rất nhanh và có nhiều những bài viết “để đời”, được lưu trữ để trở thành những bài văn mẫu. Nhưng có lẽ những dấu ấn đáng nhớ nhất để tạo nên con người văn chương trong Minh là những vần thơ mà Minh đã viết tặng cho gia đình, người thân, bạn bè, mái trường và đặc biệt là những vần thơ viết dành riêng cho người yêu. Chẳng biết từ khi nào Minh đã được gọi với cái tên trìu mến “thi sỹ tình yêu”?
Từ khi gặp Nguyên, Minh đã trở thành một nhà thơ tình thực thụ. Nguyên đã mang đến cho Minh một nguồn cảm hứng sáng tác kỳ lạ để những vần thơ đầy lắng đọng đã ra đời. Có ai tin được không, những vần thơ chỉ được làm trong tích tắc, trực tiếp trên máy điện thoại. Minh muốn dãi bày lòng mình với Nguyên qua những vần thơ ấy và những vần thơ cũng trở nên giàu cảm xúc để biến thiên theo tình cảm mà hai người dành cho nhau.

Còn nhớ bài thơ đầu tiên mà Minh viết tặng Nguyên là sau lần sang thăm nhà Nguyên về. Con đường ấy đầy những dấu vết của cổ tích, huyền thoại. Dòng sông chia cắt đôi bờ bỗng trở thành duyên cớ cho cuộc tình giữa Minh và Nguyên:
“Nhà em ở bên kia sông
Đò không thương xót bỏ bông tím chiều
Em càng thương anh bao nhiêu
Dòng sông càng tím, trời chiều càng sa
Thương em như thương cánh hoa
Bèo trôi muôn ngả biết ra biển nào
Nhớ em yêu cả cánh bèo
Muốn nâng niu để một chiều sang sông”

Yêu Nguyên mà Minh yêu luôn cả dòng sông đặc đầy những cánh bèo trôi ấy. Ôi, màu tím của những cánh hoa bèo, màu của thủy chung, màu của niềm hạnh phúc. Minh muốn hái một cành hoa bèo đó để tặng Nguyên, để Nguyên biết rằng, tình yêu mà Minh dành cho Nguyên cũng thủy chung như thế.


Minh đã có thói quen viết thơ cho riêng mình và cho bạn bè từ rất lâu. Tốt nghiệp phổ thông, Minh đã có cả một tập thơ để gửi tặng bạn bè trong lớp và điều kỳ lạ là đã gần 8 năm sau khi Minh ra trường, Minh vẫn còn được mọi người kể cả là những học sinh hôm nay lưu giữ và đọc lại những vần thơ học trò của Minh. Minh vui lắm khi mỗi lần về thăm cô giáo cũ là mỗi lần hình ảnh ngày xưa của Minh lạ được khơi dậy với những bài văn hay và những vần thơ chân tình. Đây là những vần thơ về mái trường của Minh:

“Ai đã từng đi qua sông Đáy

Hãy ghé thăm Kim Bảng trường tôi
Tre xanh, phượng biếc bời bời
Giọng ca quện vời những lời trái tim
Cậu học trò kiếm tìm kỷ niệm
Cô nữ sinh áo trắng trở về
Đơn sơ chẳng chút đề huề
Mặt mừng tay bắt lời thề ngày xưa”

Và cái khoảnh khắc của lúc chia tay mới thấm đẫm hồn người:
“Đã xa rồi ôi những tháng năm
Đâu trở lại những ngày thân thuộc nhất
Bạn bè ơi dẫu mai này cách mặt/
Bốn phương trời ta hãy nhớ về nhau”
Trong Minh lại ùa về biết bao nhiêu kỷ niệm của những ngày tháng đã qua mà như còn hiện hữu đến tận bây giờ. Dường như cảm xúc chỉ muốn vỡ oà trong sự xúc động:

“Thầy hỡi, cô ơi, bạn bè ơi/
Xa rồi xin hãy chớ quên tôi/
Ba năm gắn bó tình son sắt/
Những trái tim gắn lại một rồi”

Minh chứng cho sự gắn kết ấy là những kỷ niệm, kể cả những rung động đầu đời:

“Tôi chỉ như là một gã khờ/
Thẫn thờ, ngọng nghịu đứng làm thơ/
Giấy trắng mãi thơm màu mực tím/
Một đời phiêu lãng chốn mộng mơ”

Hay một chút xao xuyến:

“Những chân trời rộng mở
Người lớn trong nghĩ suy
Điệp vàng thôi không nở
Nơi bắt đầu em đi
Mùa thi ơi mùa thi
Tháng sáu bao la quá
Những nuối tiếc đôi khi
Gặp gỡ thành xa lạ”


Cũng như khung cảnh kẻ ở người đi giống như Kim Trọng chia tay Thúy Kiều trong một không gian không phải nhuốm màu quan san mà ngập tràn một miền nhung nhớ:
“Sắp xa rồi lòng nhung nhớ thay
Ánh mắt em cười và đôi môi em nói
Nghe rì rào như xanh bờ cỏ dại
Mối tình đầu xin ghi lại vào tim
Sắp xa rồi, lòng nhung nhớ thêm”.
Đọc những vần thơ này, chắc ai cũng sẽ nghĩ, Minh yêu sớm lắm. Nhưng đâu phải vậy. Minh học Văn từ nhỏ, sớm có những cảm xúc tinh tế và những ý tưởng văn chương. Cả ba năm cấp ba và gần hết bốn năm học đại học, Minh đâu có biết tình yêu là gì. Vậy mà vẫn có được những vần thơ tình nghe ướt lắm:

“Biển sẽ buồn nếu chẳng có em
Nếu chẳng có chim hải âu chắp cánh
Biển nước biếc chỉ còn là sóng trắng
Nếu con tàu chẳng có bến bờ neo
...
Lẽ nào biển xa em mà sắc thẫm
Lẽ nào mây dời biển lẻ đời trăng
Để mình ai kéo lưới lúc sương giăng
Biển là em hay chính em là biển?"

Một cảm giác hân hoan trong tình yêu:


“Lặng thầm bên khung cửa
Nhớ về em yêu thương
Vần thơ mờ sáng sớm
Như tình em nhòa sương”

Mong ngóng và chờ đợi:

“Sao em không về thăm Kinh Bắc
Nhìn những dòng sông lấp lánh trôi
Thuyền ai nhẹ lướt buông câu hát
Vành nón nghiêng che mắt em tôi
Tìm thấy sự xa cách, khác biệt trong tình yêu
“Giữa anh và em
Một khung trời giấu hai miền xa cách
Như mặt trời, mặt trăng không thể gặp
Như sao em không đến nổi sao anh”
Rồi hờn dỗi, trách móc:

“Hoa cỏ may bay trên đường đời
Vẫn nhớ về những thoáng xa xôi
Em trách anh không cho anh một lời
Để tình mình mãi mãi chỉ thế thôi”
Đó là lúc người con gái đang đầy những hoài nghi
“Có nhiều khi quá buồn
Em nghi ngờ tất cả
Cả nắng, cả gió, cả những gì tình yêu anh mang lại
Em muốn gào lên
Em muốn khóc
Muốn đánh đuổi nhưng sợ mình yếu đuối
Đành cúi đầu câm lặng một niềm đau
Và ngày chia tay cũng phải đến như một tất yếu
“Chia tay nhau cuối con đường
Mùa thu đầy lá
Em về với người
Để lại một khúc tình ca
Anh đã hát tặng em
Biển biển ơi có thấu hết tim em
Đêm huyền hoặc giữa lòng em sâu thẳm
Em không khóc nhưng cái nhìn đăm đắm
Mắt anh buồn
Tim anh cô đơn
Dù như vậy, ta vẫn tin rằng:

“Dù mai này chẳng được ở bên nhau
Lòng anh vẫn yêu em như em yêu anh vậy
Bao kỷ niệm của những ngày xưa ấy
Hãy giữ trong lòng là báu vật tình yêu
Có những mối tình không để sống cho nhau
Là ký ước nồng hương hoa cỏ dại
Có một mối tình là mãi mãi
Tình anh và tình em”
Như thế, tình yêu đã đầy lòng vị tha, biết tha thứ cho tất cả để sống tốt đẹp hơn.
Khi gặp Nguyên, được đón nhận tình yêu của Nguyên, Minh đã hơn bao giờ hết phải học cách sống của “người cao thượng”. Minh đau lòng khi thấy Nguyên không dứt bỏ được tình yêu với Long, vẫn thấy Long là người đàn ông tuyệt vời nhất trong cuộc đời mình. Hơn nữa, còn có lúc Nguyên đưa Minh ra để so sánh với Long. Những điều ấy khiến Minh buồn lắm nhưng Minh tin, sẽ không bao giờ có một sự lặp lại trong tình yêu. Mỗi người có một tình yêu cho riêng mình, một cách yêu cho riêng mình. Nguyên đã mang đến cho Minh một tình yêu kỳ lạ và từ khi ấy Minh đã trở thành một nhà thơ kỳ lạ. Những bài thơ Minh dành tặng cho riêng Nguyên cũng là minh chứng cho một tình yêu dù trong một thời gian ngắn cũng đã trải qua nhiều những bước thăng trầm đầy kỷ niệm:

Trăng vẫn sáng soi dòng sông chung bóng
Thu mênh mang, sóng vẫn cứ đa tình
Muốn qua sông làm vỡ ánh trăng xinh
Gom thuyền bạc đầy mảnh trăng lóng lánh
Tặng em cả một đời anh áo trắng
Màu em yêu, màu sóng sánh vầng trăng
Dù trăm năm không được ở bên anh
Em vẫn được hàng nghìn giờ hạnh phúc
Vì anh yêu một tình yêu chân thật
Trăng vỡ, tình sầu, kỷ niệm trôi nhanh
Em mãi là vầng trăng của riêng anh”
Cả Minh và Nguyên đều yêu trăng và dòng sông chung có của hai người đã làm cho vầng trăng ấy trở thành một “vầng trăng hạnh phúc”.
Nhà Minh và nhà Nguyên đều có cây bưởi trước nhà. Nguyên say đắm với hương thơm dịu dàng của loài hoa ấy và Minh đã chắp cánh cho niềm yêu đó:
“Tháng ba lất phất mưa xuân
Hoa xoan, hoa bưởi nở dần trước hiên
Nhặt hoa thêm nhớ làng bên
Qua bên sông cũng mùi hương nồng nàn”
Và mỗi khi ở cách xa nhau, Minh lại thấy vời vợi một nỗi nhớ thương về người con gái Minh yêu:
“Nơi anh trời cũng đổ mưa
Hạt mưa lạnh thấm truyện xưa rất buồn
Mưa ơi sao mưa lạnh lùng
Để em tôi phải nhớ nhung bóng người
Em đi đã mấy hôm trời
Mà mưa vẫn nhắc tiếng cười của em
Mưa rơi như em ở bên
Bàn tay nhỏ vẫn ấm êm chút tình
Mưa như thương cho đôi mình
Làm mềm quá khứ của tình đã xa
Mưa rơi làm ướt cánh hoa
Tiếng mưa rất mỏng như là rơi nghiêng”

Có lúc Minh lại thấy mình là người “lữ khách tình yêu” đã ghé thăm và cướp mất tình yêu của một người:


“Em đi giữa nẻo đời
Một người chờ đợi xa xôi
Cố tìm xem đâu là chân trời
Nơi ấm êm kỷ niệm
Người ấy yêu em
Tình yêu không phân biệt
Thấp kém, sang hèn, nghèo túng, giàu sang
Tôi bỗng là người lữ khách đi ngang
Chạm vào niềm đau của nỗi lòng xa cách
Hai người chia tay buồn dâng trong mắt
Lòng khẽ buồn tôi nhắc... Vì sao?
Tương lai mai sau sẽ không còn thương đau
Chỉ có cảm thông làm mềm quá khứ
Tình yêu em ngại gì sóng gió
Ta trao em xanh biếc chờ mong”
Và Minh đã nguyện cả một đời vun vén cho niềm hạnh phúc để mà gọi người yêu trở lại với thực tại, sống thật với tình yêu và quên đi một quá khứ nhiều cảm xúc nhưng đã không thể thành hiện thực:
“Có yêu nhau mới đong đầy nỗi nhớ
Nhịp cầu dài em còn đợi chi đây
Về đi em cho mầm sống lên cây
Cho hạnh phúc anh và em mãi mãi”
Minh như muốn nói với Nguyên rằng:

“Người xưa đã xa xin đừng nhắc tên
Cho mây bẽ bàng, cho trăng thôi hát
Đường trần em đi trăng thu bát ngát
Trăng là em hay trăng là thủy chung?”
Và, Minh mãi nhớ sự gặp gỡ lạ kỳ của hai người cách đây không lâu đã là những nét chạm mình của duyên số:
“Mùa xuân này em đã có anh
Một khoảnh khắc tình cờ thành duyên phận
Em dành cho anh một đêm trường vô tận
Run bờ môi, rung rẩy dáng mai xuân”
Biết bao nhiêu cảm xúc Minh đã dành cho Nguyên. Những vần thơ Minh dành cho Nguyên qua tin nhắn điện thoại và được làm trong một thời gian rất ngắn đã là những tiếng lòng sâu thẳm trong trái tim Minh. Minh mong Nguyên hiểu điều đó và Nguyên đã hiểu, đã đón nhận và dành cho Minh một tình yêu trọn vẹn, đắm say. Có thể từ giây phút ấy Minh đã trở thành một “thi sỹ tình yêu”.

***

Nguyên đã bắt đầu phát hiện ra năng khiếu chơi cờ của mình từ khi học lớp hai. Hồi đó, cô bé Nguyên thích chơi cờ lắm. Mỗi lần thấy bố và anh chơi cờ là cô bé lại sà vào xem chăm chú. Thích lắm, yêu lắm, đam mê lắm và từ đó cô bé đã học chơi cờ. Như có năng khiếu bẩm sinh, cô bé học rất nhanh, chỉ sau một vài tháng là trình độ cờ của cô bé đã nâng lên rõ rệt. Mặc dù bố và anh biết chơi trước rồi mới dạy cho cô bé, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, cô bé đã đánh thắng được cả bố và anh. Rồi như là duyên phận vậy Nguyên đã được thầy giáo dạy thể dục ở trường chọn đi thi khi mới lên lớp 3. Nhớ các buổi chiều, anh trai chở Nguyên trên chiếc xe đạp cũ đến trường tập luyện để chuẩn bị cho các buổi thi đấu. Và nhờ sự nỗ lực của bản thân cộng thêm chút may mắn, Nguyên đã lần lượt dành được những giải cao nhất trong các cuộc thi: trường - xã - huyện - tỉnh. Cuối cùng thì ông trời đã không phụ công Nguyên, đã đền đáp cho Nguyên xứng đáng khi mới chỉ lớp bốn thôi Nguyên đã được chọn xuống Sở Thể dục Thể thao của tỉnh để phát huy môn năng khiếu đó. Nguyên nhớ, lần đầu tiên được cầm trên tay giấy triệu tập của Giám đốc Sở, Nguyên và gia đình vui lắm. Đó là thành công đầu tiên của Nguyên và cũng là món quà đầu tiên để gửi tặng ba mẹ - những người đã sinh ra Nguyên, chăm lo, nuôi dưỡng, dạy dỗ Nguyên lên người.
Nguyên bắt đầu cuộc sống mới của mình từ đây, một cuộc sống mà ai cũng phải công nhận là khó khăn, vất vả cho một cô bé vẫn còn quá ít tuổi. Nhưng với niềm đam mê của mình, Nguyên chấp nhận tất cả chỉ mong được đối diện với những quân cờ, với những nước đi lắt léo đầy ma thuật của một môn thể thao đòi hỏi năng lực siêu phàm của trí tuệ. Mười tuổi, cái tuổi mà trẻ con bằng tuổi Nguyên vẫn đang được sống trong vòng tay yêu thương của ba mẹ, được ba mẹ cưng chiều, lo cho từng bữa cơm, giấc ngủ, được xà vào lòng ba mẹ để nũng nịu thì Nguyên đã không được hưởng những điều đó. Xa ba mẹ, xa người thân để đến sống ở một nơi đô thị, xa hoa, lạ lẫm, không người thân, không một bàn tay âu yếm, bắt đầu theo đuổi và sẵn sàng trả giá cho một niềm đam mê. Đến bây giờ Nguyên vẫn còn nhớ như in cảm giác của mình khi phải đi xa như vậy. Nhớ ba mẹ, nhớ người thân, nhớ bạn bè, nhớ từng mảnh vườn, từng tấc đất của ngôi nhà thân thương, nhớ từng hàng cây bên nhà, nhớ cả chú cún xinh xinh đã làm bạn cùng Nguyên trong những lúc vui buồn.

Nguyên vốn sinh ra đã là người đa sầu, đa cảm cộng với hoàn cảnh phải sống xa nhà tác động đã làm cho Nguyên ngày càng trở thành một con người sâu sắc và hướng nội. Một tháng một lần được về thăm nhà, mỗi lần được về thăm ba mẹ Nguyên vui lắm. Tâm trạng đã háo hức từ trước đó mấy ngày, mong ngóng từng ngày để được về thăm ba mẹ. Và niềm vui đó của Nguyên chỉ đến trong hai ngày thứ 7 và chủ nhật ngắn ngủi của mỗi tuần. Khoảng thời gian đó là quá ít với một cô bé đang cần nhiều lắm những tình thương yêu của người thân, ba mẹ. Và khi được bố đón chở về trên chiếc xe máy cũ thì Nguyên vui lắm, háo hức lắm và còn bật khóc khi nhìn thấy bố, khi chiếc xe máy bắt đầu lăn bánh trở về làng quê thân thương. Những cảm xúc nghẹn ngào đã rung lên trong tình yêu, nỗi nhớ với gia đình. Khi đó Nguyên thấy mình khác hẳn với mình trong những cuộc thi đấu. Lúc thi đấu Nguyên là một tay cờ lạnh lùng và sâu sắc bao nhiêu thì khi được sống và được nhớ về người thân Nguyên lại trở thành một người đa cảm và nông nổi bấy nhiêu. Trong Nguyên đã luôn tồn tại hai con người như thế. Có lẽ vì thế mà ít người có thể hiểu được lòng Nguyên. Phải chăng chỉ còn có Minh - người đã đặt cho Nguyên biệt danh “Nữ tướng”. Nguyên rất thích biệt danh này vì mỗi khi nhắc đến nó là Nguyên đã thấy cả một quá khứ huy hoàng tràn về làm động lực cho cuộc sống hiện tại, để Nguyên thêm mạnh mẽ. Có lẽ Minh cũng đã khá sâu sắc khi đặt cho Nguyên biệt danh này. Đối với môn cờ tướng xưa nay thường chỉ dành cho những người cao tuổi và chủ yếu là nam giới nhưng với Nguyên thì ngược lại. Hình như Nguyên tìm thấy ở môn thể thao này một sự thích hợp đến không thể khác. Rất nhanh để nắm bắt nó, rất nhanh để thành công. Nguyên như vị nữ tướng trẻ tuổi đã băng mình ra khỏi những bồng bột, hồn nhiên của tuổi thơ để sâu sắc đến lạnh lùng trong từng nước đi trên những trận đấu trí yêng hùng. Nguyên còn nhớ như in những trận đấu khó khăn, nhiều lúc Nguyên đã cảm thấy như mình đã phải chịu thất bại nhưng có lẽ Nguyên thấy câu thơ mà Minh tặng Nguyên đúng: “Cuộc đời như một ván cờ. Thắng - Thua, Được - Mất ai ngờ đâu em”. Vì thế mà mỗi cuộc chiến không phải là chuyện được - mất, thắng - thua mà đó là sự tỏa sáng của ý chí và tinh thần cũng như sự bùng cháy của niềm đam mê. Và, Nguyên đã vượt qua nhiều những đối thủ danh tiếng trong làng cờ nước nhà để đạt được những tấm huy chương, những lời ngợi ca hết mức. Một tuổi trẻ huy hoàng không phải ai cũng có thể có, một tuổi trẻ đã làm cho Nguyên lớn nhanh như Thánh Gióng. Nguyên đã được rèn giũa ý chí, bản lĩnh sau từng trận đấu và hình như cho đến giờ những khó khăn tưởng như không thể vượt qua được trong cuộc sống thì với ý chí đó Nguyên đã vẫn có thể vươn mình. Minh đã thầm mến mộ tài năng của Nguyên, đã từng coi Nguyên là một tấm gương để học tập. Bởi Minh biết, đằng sau con người lạnh lùng, sâu sắc, bản lĩnh ấy vẫn là những cái đằm thắm, dịu dàng của người con gái Việt. Nguyên cũng như bao người con gái khác, cũng có lúc yếu đuối, cũng có lúc thấy mình cần một bàn tay nâng đỡ và Minh đã đến trong lúc tình yêu của Nguyên và Long đã không thể nào có thể mang lại những hạnh phúc trọn vẹn. Đó là điều quý giá của cuộc sống mà Nguyên đã may mắn có được.


Nguyên lại nhớ về thời ấu thơ, nhớ về cái cảm giác được trở về làng quê với tình yêu của người con đi học xa nhà. Làng quê của Nguyên cũng như bao làng quê khác, cũng giản dị, chân chất nhưng chứa chan bao tình cảm. Khi về đến mảnh đất của quê hương, Nguyên nhìn chăm chú mọi thứ để thoả nỗi nhớ mong sau bao ngày xa cách. Nhìn từng cánh đồng lúa chín vàng mỗi khi bước vào vụ gặt, nhìn từng hàng phi lao xanh mướt trên con đường mà Nguyên đi học, nhìn từng rặng tre mà những buổi trưa hè Nguyên thường ra hóng mát. Nhìn từng ngôi nhà với mái ngói đỏ tươi chạy dọc ở hai bên sườn đê, bên cạnh là dòng sông yêu dấu. Nhớ lắm mỗi lúc đi xa, yêu lắm mỗi khi được trở về nhà. Và càng yêu hơn nữa khi mỗi lần về nhà Nguyên lại được mọi người đón nhận bằng những ánh mắt thân thiện, trìu mến và đầy nể phục. Mẹ ơi, con đã về với mẹ đây, đứa con gái bé bỏng của mẹ đã trở về với mẹ đây. Nguyên ào ra những dòng nước mắt hạnh phúc, sung sướng khi nhìn thấy bóng mẹ bên hiên.


Những lần được về thăm nhà như vậy Nguyên chỉ mong thời gian ngừng trôi để Nguyên được ở mãi bên cạnh ba mẹ, anh chị, để không phải chịu đựng nỗi nhớ mong, khắc khoải. Và thường thì Nguyên hay ra vườn ngồi ngắm dòng sông và những chuyến đò đưa khách qua sông. Dòng sông quê hương đã gắn bó với tuổi thơ của Nguyên, tuy không có nhiều thời gian được ở nhà nhưng Nguyên lại rất yêu quý nó. Mỗi lần ngồi ngắm dòng sông, những làn nước biếc đã làm vơi đi biết bao nỗi buồn, nỗi tủi khổ trong Nguyên khi phải xa nhà. Không hiểu sao Nguyên lại cảm thấy gắn bó với dòng sông đến vậy. Và có lẽ bắt đầu từ khi đó hình ảnh của con sông quê hương đã in đậm trong tâm trí cô bé Nguyên thuở nào. Và cho đến bây giờ khi đã là một sinh viên sắp ra trường nhưng cái mà Nguyên nhớ nhất khi nghĩ đến quê hương vẫn là con sông đó.




Lần đầu tiên đi xa nhà với một cô bé mười tuổi quả là không dễ dàng chút nào. Nguyên đã khóc mỗi lần được về thăm nhà như vậy. Đó vừa là những giọt nước mắt sung sướng nhưng cũng là những giọt nước mắt tủi khổ, nhất là lúc phải trở lại trường học. Thường thì vào các buổi sáng sớm thứ 2, bố lại chở Nguyên xuống chỗ học. Buổi sáng đó, Nguyên dậy thật sớm để ra vườn nhìn lại mọi thứ một lần cuối để lấy thêm động lực trước khi đi xa.

Vẫn những ngày tháng Nguyên phải sống xa nhà, ở nơi tập thể với đa số các bậc đàn anh, đàn chị. Bên cạnh những niềm vui, niềm sung sướng, hạnh phúc mỗi khi được về thăm nhà, mỗi khi đạt được thành tích cao trong thi đấu thì những nỗi cực khổ, vất vả để vươn tới đỉnh cao của vinh quang cũng không thể kể xiết. Với cái tuổi mà bạn bè cũng trang lứa đang được chơi nhiều hơn là học thì Nguyên phải lao đầu vào tập luyện để chuẩn bị cho các cuộc thi đấu. Nhớ lại Nguyên vẫn thấy rùng rợn, sợ hãi vì các buổi thi đấu, tập luyện căng thẳng đó. Ngày nào cũng như ngày nào, sáng Nguyên đến trường học văn hoá, chiều phải tập cờ từ 13h30 đến 17h30, tối phải tập từ 19h30 cho đến 22h30. Gần như Nguyên không có thời gian để dành cho việc vui chơi, thư giãn nữa. Quá mệt mỏi, quá căng thẳng. Có lúc Nguyên phải rơi nước mắt vì không thể chịu nổi sức ép của những buổi tập luyện như vậy. Nhưng đúng là ông trời không bao giờ phụ công những người biết cố gắng, biết nỗ lực. Những cố gắng của Nguyên đã được đền đáp xứng đáng bằng những tấm huy chương tại các giải thi đấu thành tích cao, được đi nhiều nơi, Nguyên đã biết được khá nhiều điều. Nguyên chỉ tiếc là đã không lưu lại được những kỷ niệm của những lần đi thi đấu đó để khoe với Minh vì khi đó Nguyên còn quá nhỏ, và ngoài những buổi thi đấu ra thì cũng không có thời gian mà đi chơi nữa. Nhưng tất cả vẫn còn như rạng ngời trong trí nhớ của Nguyên.


Mỗi khi bước vào các trận đấu căng thẳng Nguyên thường hay nhớ về gia đình, nhớ về ba mẹ để có thêm niềm tin và giành chiến thắng. Khi được đeo những tấm huy chương trên ngực, Nguyên chỉ muốn được mang về để dành ba mẹ, để ba mẹ cảm thấy vui, thấy tự hào về Nguyên. Chính điều đó thôi đã làm cho Nguyên cố gắng vượt qua tất cả những khó khăn để vươn tới đỉnh cao của vinh quang. Chỉ tiếc rằng cho đến bây giờ Nguyên đã không theo đuổi ước mơ, sự nghiệp đó nữa vì nhiều lý do. Nhưng đó là sự lựa chọn của Nguyên - một sự lựa chọn bằng lý trí và những lý do đó đã làm thay đổi cuộc đời Nguyên, khiến cho Nguyên không còn hứng thú với thể thao nữa và bắt đầu với một niềm đam mê có thật - được cống hiến sức mình cho sự giàu đẹp của quê hương. Nguyên đã chọn một hướng đi khác, một ngành học khác và một tương lai khác. Và sự lựa chọn của Nguyên đã đúng khi với sự lựa chọn ấy Nguyên đã được gặp và được Minh yêu. Đó là một bến đỗ bình yên mà Nguyên cần có. Nguyên nguyện sẽ mãi gắn bó với nó, với hạnh phúc thật của mình để những huy hoàng của quá khứ sẽ trở thành điểm tựa vững vàng cho tương lai rạng ngời phía trước. Nguyên cần có Minh đồng hành và Minh cũng vậy. Họ sẽ dắt tay nhau vượt qua chông gai. Một “thi sỹ tình yêu” và một “nữ tướng cầm cờ” đã đưa cuộc sống trở về với đúng quy luật của nó. Tình yêu và hạnh phúc đã bắt đầu từ sự lựa chọn ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét