21 thg 12, 2012

Hội làng

Làng mở hội tưng bừng trống giục, tháng 2 ấm áp không lất phất mưa như những năm trước. Còn nhớ, ngày nhỏ thích đi xem hội lắm, thích những chỗ náo nhiệt, đông người với những trò chơi vui nhộn; thích xem các cụ tế lễ, thích đi rước thánh từ miếu Trắng về Đình làng; thích xem văn công biểu diễn; thích bố mẹ cho tiền mua quà; thích đến muốn trốn cả học để về xem hội mà không dám.
Lại một mùa hội nữa, ngày càng không thấy hào hứng với lễ hội. Chẳng biết từ khi nào, hội làng ở đây lại chỉ là hội của trẻ em và các cụ bô lão. Năm ngoái, chương trình văn nghệ của hội làng không thể tham gia, nhiều người đến tận nhà bảo ra hát phục vụ các cụ và bà con.
Năm nay được giao chuẩn bị nội dung cho chương trình văn nghệ với định hướng mang màu sắc dân ca sâu sắc. Thấy khó. Vì mình không sành lắm về lĩnh vực này. Nhưng vẫn hào hứng với việc được lên sân khấu hát cho bà con nghe. Bà con thích nghe mình hát, chờ đón sự xuất hiện của mình trên sân khấu. Kể ra cũng vui.
Hội làng, vẫn muốn mang đến một niềm vui nho nhỏ cho bà con...
Và cuối cùng, buổi giao lưu văn nghệ với màu sắc dân ca sâu sắc cũng đã khép lại trong những lời khen ngợi của mọi người. MT không lên sân khấu với những ca khúc thuộc dòng thính phòng như thường lệ mà là 3 ca khúc song ca cùng 3 cô gái đến từ 3 miền quê khác nhau. Mở đầu chương trình, "nổ tiếng súng đầu tiên" cho chương trình là ca khúc: "Trên công trường rộn tiếng ca", sáng tác của Ngô Quốc Tính; tiếp đó là "Còn duyên" đằm thắm hơi hướng quan họ Bắc Ninh và cuối cùng là "Mấy nhịp cầu tre" duyên dáng và tình tứ. Các tiết mục văn nghệ năm nay nhận được đánh giá khá tích cực từ "người hâm mộ". Sân Đình Trải trậ ních không còn chỗ chống đã được chứng kiến một đêm diễn thành công của những "ngôi sao dưới đất". Một loạt những ca khúc đằm thắm duyên quê và dân ca một cách chân thật: "Em yêu anh như câu ví dặm"; "Làng quan họ quê tôi", "người ở đừng về", "Đi tìm câu hát lý thương nhau", "Dâng người tiếng hát mùa xuân"... là những ấn tượng không thể quên trong chương trình văn nghệ hội làng năm nay. Chương trình kết thúc với một sáng tác của nhạc sỹ Trần Tiến: "Nhớ đêm giã bạn" và lạ lùng thay, dù là ca khúc cuối cùng của chương trình nhưng hình như mọi người vẫn chưa muốn ra về; tâm hồn còn vương vấn với những khúc ca mượt đẹp. Có lẽ đây là chương trình văn nghệ hội làng thành công nhất từ khi tổ chức cho đến nay. Dân làng sẽ còn nhắc mãi đến hội làng năm nay, nhắc đến đạo diễn MT, nhắc đến các giọng ca đến từ các xã bạn: Ánh Tuyết, Thùy Dương, Thanh Thương, Thu Huyền, Thu Hằng, Thu Hương... Đó là những giọng ca đằm thắm, lãng mạn đã mang đến cho đêm hội những dấu ấn không thể nào quên.
Bài hát mà tôi thấy tâm đắc nhất trong chương trình văn nghệ này là ca khúc "Mấy nhịp cầu tre". Đã lâu lắm rồi mới hát ca khúc này và đột nhiên thấy nó hay một cách kỳ lạ:
"Làng tôi nghe đung đưa mấy nhịp cầu tre
Làng bên băng qua sông mối tình làng quê
Buồn vui dân trong làng ra nghỉ trưa hè
Lặng mà nghe ai hát đêm về
Hỏi rằng ai nâng niu mấy nhịp cầu tre
Lẳng mà nghe ai ca trong nắng chiều vàng hoe
Cầu ơi ai đem tình gieo trải khắp miền
Lòng tôi như đôi cánh chim hiền
Ai đem bắc nhịp cầu tre
Cho chàng là chàng bên ấy
Thương em là em ở bên này (hờ hơ hớ hờ hơ)
Cầu tre tác tịch tình tang
Cầu tre tác tịch tình tình rằng nhớ ở đây
Thương nhau mà thương nhau cởi áo cho nhau
Về nhà mẹ hỏi qua cầu, qua cầu, thưa, rằng thưa, rằng thưa
Qua cầu gió bay
Nhờ ai em tôi qua lấy chồng làng bên
Nhờ ai đem bao ngô lúa về ngoài hiên
Cầu ơi ai đem tình gieo trải khắp miền
Nhịp cầu tre muôn kiếp vẫn còn"
Bài hát là mối tình quê chân chất của một đôi uyên ương ở hai ngôi làng cách nhau một dòng sông xanh biếc. Và cây cầu tre là nhịp nối yêu thương để đưa họ đến gần nhau hơn. Tôi muốn gửi tới những đôi trẻ yêu nhau bài hát ý nghĩa này với hy vọng, những mối tình quê chân chất sẽ luôn đẹp trong những dư vị đằm thắm của quê hương.
Hội đã tan rồi nhưng lòng người còn vấn vương bao cảm xúc. Chia tay nhau nhưng là để hẹn ngày gặp lại. Hội làng, chẳng biết tự bao giờ đã nơi hò hẹn của lứa đôi?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét