Nhân đọc bài viết của một người bạn trên báo điện tử Thể thao Văn hóa mà như lời của cậu ta nói thì đã phải tranh luận với sếp khá nhiều trước khi sếp quyết định đăng bài viết này trên trang báo. Số tiền nhuận bút hơn 100.000 đồng mà cậu nhận được không quan trọng bằng thể hiện được một quan điểm của người làm báo.
Tôi cảm thấy khá hài lòng với bài viết của bạn và cảm thấy bạn của tôi đã dám đương đầu với những khó khăn trước đời sống chính trị nói chung. Nhà báo cần phải mạnh dạn như thế. Ngay sau khi đọc xong bài viết của bạn qua đường link quảng cáo của tác giả tới nick chat yahoo, tôi đã ngay lập tức có cuộc trao đổi với tác giả của bài viết - một người bạn thời học phổ thông - người có cùng ngày tháng năm sinh với tôi - người đã từng đồng hành cùng tôi trong một quãng thời gian khá dài. Qua cuộc trao đổi ngắn, được biết rằng, tác giả khá bức xúc trước tình hình trong thời gian gần đây, nhiều nguồn tin cho thấy, một loạt tàu Trung Quốc có những xâm phạm trắng trợn trên lãnh hải thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Mà cũng đúng, là người Việt Nam yêu nước sao chịu nổi cảnh này? Tôi khá tán đồng với những lập luận của tác giả. Bài viết của một tác giả ở độ tuổi 27, mới ra nghề được 4 năm đã gây ra một làn sóng dư luận khá nóng trên các diễn đàn mạng. Tôi thử làm lại cái công thức mà bạn tôi đã mở đầu cho bài viết của mình bằng việc đánh vào trang google cụm từ tìm kiếm "Tàu lạ, người không lạ". Kết quả thu được 112.000 kết quả trong vòng 0,06 giây. Rõ ràng, chủ đề này thu hút quá nhiều sự quan tâm của dư luận. Tôi theo dõi và nghiên cứu khá kỹ những phản hồi của cư dân mạng về bài viết và thấy rằng, 99% ý kiến của dư luận ủng hộ cho bài viết và thể hiện nỗi bức xúc trước việc chủ quyền của Việt Nam đang bị xâm phạm. Dưới đây là một số phản hồi của cư dân mạng:
''Dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước.. Từ xưa đến nay, mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm , khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước''. (Xuân Thắng_ GTVT: nguyen_gtvt049@yahoo.com).
"Khi thấy người chúng thường bất ngờ tấn công, nhất là khi bị xua đuổi. Ko chỉ rất đúng, rất thâm thúy!" (Việt Nam: nguyenvietnam@yahoo.com.vn)
"Hay lam theo loi BAC HỒ dạy đi"mềm dẻo nhưng cương quyết"các bạn ah.đã đến nước này thì việc không của riêng ai đâu nước này là của chúng mình ma,là ngoi nhà chung mà tại sao lại không giữ chứ đúng không các bạn.mình la thanh niên việt nam ,con người VIỆT NAM .đồng lòng nghe các bạn"
"Chúng ta đã nhân nhượng! Người Việt Nam chân chính muốn sống trong hòa bình,nhưng chúng ta càng nhân nhượng chúng càng được nước lấn tới.Đã đến lúc chúng ta kg thể nhân nhượng được nữa, kg thể trở về thời Bắc thuộc! Mỗi người dân Việt Nam hãy nắm tay nhau gìn giữ từng tấc đất -vùng trời -vùng biển mà Ông Cha chúng ta đã dày công thắm máu, chúng ta tuy nhỏ nhưng mỗi người Việt Nam đều có thể trở thành một cảm tử quân. với tôi nếu sảy ra chiến tranh với TQ tôi sẽ tái ngũ cùng thế hệ các anh các em bảo vệ Tổ Quốc. Bảo vệ những gì thiêng liêng mà Cha Ông trao lại !"
Nói chung là rất nhiều và nhiều hơn thế rất nhiều, tiếng nói cất lên từ dư luận. Tôi được biết, ngay sau khi bài viết này được đăng tải, khá nhiều người đã gọi điện đến tòa soạn để "hỏi thăm" bác MC (tác giả của bài báo). Không hiểu sao tôi cứ thấy ám ảnh bởi bài báo, một cái gì đó rất không ổn: "Sau rễ hồi, râu ngô non là những móng trâu bò, thịt mèo, thớt nghiến, gỗ sưa, ốc bươu vàng..."; "Gần hơn, năm 2007 các thương lái nước ngoài “thu mua phế liệu” cả cáp quang viễn thông trên biển của ta với giá cao". Rồi nghĩ về một câu chuyện nghe được ở đâu đó, rằng Trung Quốc mua than Việt Nam về để chất thành núi mà không làm gì cả. Tất cả những điều này chúng ta đã thấy quá rõ nhưng chưa bao giờ thấy nó nguy hiểm hơn thế khi đặt nó trong hệ thống của những sự lạ.
Tôi lại bồi hồi nghĩ về những gì người ta vẫn ngợi ca về Trung Quốc kể cả từ những người xung quanh mình khi được đặt chân lên mảnh đất rộng lớn đó. Từ cơ sở hạ tầng, tầm nhìn kinh tế, đời sống chính trị và luật pháp... Nói chung là có quá nhiều thứ để ngợi ca về đất nước "láng giềng, anh em". Rồi lại nghĩ về quá khứ của 1.000 năm Bắc thuộc. Thấy sao chạnh lòng.
Ngay trong những phút giây này, hàng triệu cư dân mạng đang hả hê về câu chuyện hacker đột nhập nhiều trang web Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông; hay hàng nghìn người đồng loạt tham gia đổi avatar facebook với hình ảnh người chiến sỹ hải quân đang cầm súng bảo vệ cột mốc chủ quyền biển đảo Việt Nam; cũng như hàng triệu người nhất trí ký tên đề nghị đổi tên biển South China Sea (Biển Nam Trung Hoa) trên bản đồ quốc tế hay Google Maps - bản đồ trực tuyến đang rất được ưa chuộng của Google thành Southest Asia Sea (Biển Đông Nam Á). Quá nhiều điều khiến ta phải suy nghĩ về vận mệnh của quốc gia.
Từ bài viết của một nhà báo - một người bạn, nghĩ về ngày 21.6 - Ngày Báo chí Việt Nam, thấy mừng cho bạn đã chọn đúng một con đường. Mong rằng trên con đường đi của mình bạn hãy nhìn, hãy nghe, hãy đọc, hãy viết thật nhiều những điều tâm huyết để định hướng dư luận, để tôn vinh sự thật và thể hiện phẩm chất, phong cách của người nghệ sỹ cầm bút.
Chúc tác giả "Tàu lạ, người không lạ" luôn tươi trẻ và mạnh mẽ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét