Thử sức mình ở một lĩnh vực mới, lĩnh vực khó luôn là thách thức với bất kể những ai. Tôi đang phải làm cái việc được gọi là thách thức ấy, ở một lĩnh vực không phải là sở trường của tôi nếu không muốn nói là sở đoản. Từ trước tới giờ chẳng bao giờ tôi dám nghĩ đến việc bỏ ra hàng trăm triệu đồng để học một khóa học ngoại ngữ nhằm cải thiện một yếu điểm của bản thân mình. Nhưng lần này lại khác, rất khác khi tôi đang phải gắng sức để hòan thành một khóa học ngoại ngữ 9 tháng miễn phí. May mắn hay rủi ro?
Môi trường mới bắt đầu làm thay đổi suy nghĩ của tôi. Ngoại ngữ là một phương tiện quan trọng trong cuộc sống để thực hiện những mục tiêu của mình. Nhờ nó ta có thể tiếp cận với thế giới, học hỏi và rút kinh nghiệm. Được tiếp xúc với những người nước ngòai đến từ nhiều nơi trên thế giới ( America , Walls, England ), tôi bắt đầu thay đổi cái suy nghĩ cổ hủ trước đây rằng, ngoại ngữ không dành cho những công chức tầm thường như mình. Và, cũng không nên nói người nước ngòai họ khô khan và máy móc. Tôi đã thấy những người nước ngòai đang làm việc ở Việt Nam có một tâm hồn rất Việt Nam . Có lẽ họ cũng như chúng ta, muốn thể hiện cái đẹp của quê hương mình trên chính những xứ sở xa lạ như khi chúng ta đi nước ngoài. Tôi ngạc nhiên khi thấy một thầy giáo trẻ người Mỹ cầm đũa một cách điêu luyện trong bữa cơm người Việt và kể một cách say mê về những gì anh ta thấy, anh ta cảm nhận về đất nước Việt Nam. Có lẽ điều họ ấn tượng nhất về Việt Nam luôn là con người và cảnh vật nơi đây. Con người Việt Nam thân thiện và dễ mến, cảnh vật thiên nhiên Việt Nam kỳ vĩ mà không thiếu sự bí hiểm. Và như thế đấy, họ thích khám phá những điều bí ẩn, thích đến với những con người thân thiện trên khắp hòan cầu, không bó buộc về thời gian và không gian địa lý trong khi nhiều chúng ta chưa bước ra đâu xa khỏi lũy tre làng. Họ giữ cho mình tất cả những kỷ niệm đẹp về những nơi mình đã đi qua dù nó chỉ là một bức hình hay một kỷ vật rất nhỏ. Thầy giáo hăng say ở trên lớp với bài giới thiệu về các kỷ vật lượm lặt được từ mọi miền của thế giới xinh đẹp, từ một chiếc ly bằng tre lượm từ rừng Thái Lan, đến một chiếc túi thổ cẩm được may từ Mianma, từ một tượng phật bằng đồng mang về từ Trung Quốc đến một chiếc mặt nạ bằng gỗ kiếm được từ vùng đất Tây Nguyên của Việt Nam,… Không hiểu tại sao khi đó tôi thấy, thế giới rất gần gũi, bên cạnh nhau và làm đẹp cho cuộc đời. Tôi chợt mơ ước một điều chưa bao giờ được nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ được đến với những vùng đất lạ trên khắp hòan cầu để tận mắt được chứng kiến sự kỳ vị của thế giới thiên nhiên và sự kỳ lạ của thế giới con người.
Những bài học ngoại ngữ được truyền giảng trực tiếp từ những thầy cô giáo người nước ngòai đã mang đến cho tôi những ấn tượng hết sức đặc biệt. Phương pháp sư phạm khá khoa học, mang đến hiệu quả tiếp thu tương đối cao. Dần già tôi cũng đã quen với việc bắt đầu ngày mới từ lúc 8 giờ sáng và bắt đầu giờ làm việc buổi chiều chỉ sau có nửa tiếng nghỉ ngơi; tiếp cận bài giảng thông qua việc làm việc theo nhóm được tổ chức một cách khoa học với nhiều phương tiện phụ trợ làm phong phú cho giờ học. Trong buổi học, học viên được đẩy thành vai trò trung tâm thực sự, là người thiết kế bài giảng, là người tổ chức bài giảng và cũng là người đánh giá chất lượng của bài giảng. Việc đánh giá trình độ được tiến hành thường xuyên hàng tuần thông qua hệ thống test khá khoa học. Ở đó khỏang cách của thầy và trò chỉ cách nhau bởi ngôn ngữ - thứ ngôn ngữ mà họ đang cố gắng làm cho nó trở thành phổ biến và là cầu nối giữa hai đất nước. Tôi không so sánh khả năng sư phạm của những giáo viên đến từ những đất nước khác nhau và không nói rằng, giáo viên Việt Nam không có năng lực sư phạm giỏi. Đơn giản chỉ là phương pháp và cách thức tổ chức khác nhau và chắc chắn hiệu quả cũng rất khác nhau. Khóa học này đã cho tôi thấy một cái nhìn sâu sắc hơn về ngư sư phạm. Thiết nghĩ đó là một nghề đặc biệt mà không phải ai cũng có thể làm được.
Một ngày của tôi ở Đồ Sơn học ngoại ngữ cũng rất khác với những ngày mà tôi đã trải qua. Buổi sáng bắt đầu từ 7 giờ sáng với bữa ăn nhẹ ở căng tin và giờ học bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng. Chúng tôi có nửa tiếng giải lao vào giờ học buổi sáng (từ lúc 9h30 tới 10h). Đó là thời gian dành cho café, wife và music, kịp relax để bắt đầu tiếp tục giờ học được kết thúc vào lúc 11h30. Bữa trưa tập thể cùng mọi người ở căng tin là giây phút sôi động nhất có thể có trong ngày vì hơn 200 con người đến từ mọi miền của đất nước cùng nhau bên mâm cơm xa nhà với những câu chuyện của cơ quan, gia đình và những kinh nghiệm sống. Giờ học buổi chiều bắt đầu vào lúc 2 giờ. Chúng tôi có một giấc ngủ trưa nhưng các thầy cô thì không. Họ làm việc vào buổi trưa và luôn sẵn sàng với giờ lên lớp vào lúc 2 giờ chiều. Buổi học kết thúc vào lúc 4 giờ chiều và sau đó là thời gian dành cho tennis, bóng chuyền, đi bộ, chạy hoặc giải trí trong phòng với wife, truyền hình cap và có thể là chơi nhạc cùng ghita. Bữa tối bắt đầu vào lúc 6 giờ và kế tiếp sau đó là bản tin thời sự trên truyền hình hoặc là những bộ phim hay phụ đề tiếng Anh tại thư viện vào một vài ngày trong tuần. Với đa số, buổi tối của mọi người bắt đầu từ 7 giờ để làm bài tập về nhà, học từ mới, học phát âm và nghe bản tin Tiếng Anh. Một số phòng việc thực hành tiếng Anh tại phòng ở là một quy tắc. Họ chỉ nói tiếng Anh nhằm nâng cao kỹ năng nói và nghe của mình. Một ngày kết thúc khá muộn với chúng tôi, thường là khi đã bước sang ngày mới sau khi có một bữa snack với mì tôm hoặc cháo ăn liền. Một ngày với chúng tôi như thế và nó chỉ thực sự khác biệt vào cuối tuần khi mọi người được về quê thăm gia đình và người thân hoặc giải quyết công việc ở cơ quan. Nói chung, đó là một khung thời gian lành mạnh. Mọi người cuốn theo một cách hăng say mà không hề mệt mỏi.
Đa dạng với những con người đến từ mọi miền của Tổ quốc, chúng tôi được học tập cùng nhau và trao đổi về những kinh nghiệm trong cuộc sống. 100% học viên tham gia khoa học là cán bộ, lãnh đạo hoặc nguồn quy hoạch từ cấp phòng trở lên. Đó đều là những con người có năng lực công việc và còn ở trong độ tuổi rất son trẻ. Tôi được dịp tiếp xúc với nhiều cán bộ giỏi ở rất nhiều các lĩnh vực ở các địa phương khác nhau và ấn tượng của tôi về họ luôn là sự thông thái, trẻ trung, năng động, nhiệt huyết và giàu lý tưởng. Phải chăng đó chính là những lý tưởng sống mà những thế hệ thanh niên ngày nay cần hướng đến để hòa nhập với thế giới, để thế giới biết đến Việt Nam với những con người tâm đức và thông tuệ? Chúng ta hòan tòan có thể tin tưởng vào những người trẻ này. Họ được Ban Tổ chức Trung ương đặt niềm tin làm thay đổi vận mệnh của đất nước trong tương lai với một tư thế hiên ngang và kiêu hãnh hơn sau khi họ đã đi vòng quanh trên các nẻo đường của trái đất tròn, học hỏi những điều hay và trở về phụng sự tổ quốc. Với tôi, tôi thấy khóa học này cho tôi thêm những trải nghiệm trong cuộc sống và hơn hết là được tiếp xúc với một thế giới rộng lớn hơn với những con người thực sự tài năng mà tôi thực sự mong muốn được học hỏi. Với những lý do đó, dù có kết thúc khóa học này với một kết quả như thế nào và có thể được ra nước ngòai để tiếp tục học tập không thì tôi vẫn rất hạnh phúc để nói rằng, nó đã giúp tôi lớn hơn rất nhiều.
Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương là một đề án lớn đang được thực thi trên cả nước, là một cơ hội rất tốt cho những người trẻ có nhiều hoài bão cống hiến cho đất nước. Với những người đang theo đuổi khóa học này tôi hy vọng họ sẽ đạt được kết quả tốt nhất như mong muốn và không lãng phí một giây phút nào cho việc học tập tốt hơn để mai sau cống hiến cho đất nước. Với những người chưa có cơ hội tiếp cận với khóa học này, tôi nghĩ rất nên thử để ít ra cũng được thêm một lần trải nghiệm với chính mình. Chúc các học viên đề án 165 năm mới may mắn, hạnh phúc và toại nguyện. Chúc cho khóa học tiếng Anh ở Đồ Sơn kết thúc với một kết quả tốt đẹp nhất cho tất cả mọi người.
Cảm ơn thông tin hữu ích của bạn,
Trả lờiXóahoc seo