10 thg 1, 2013

HUYỆN ĐOÀN KIM BẢNG: Công tác xây dựng tổ chức Đoàn nông thôn và những bài học từ thực tiễn

Thấm nhuần quan điểm xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh là xây dựng Đảng trước một bước, trong thời gian qua Ban Thường vụ Huyện Đoàn Kim Bảng đã đặc biệt quan tâm đến công tác này, tập trung sự chỉ đạo, xây dựng tổ chức Đoàn ngày càng vững mạnh, đáp ứng kịp thời với những yêu cầu của công tác thanh niên thời kỳ mới. Trong đó, một mặt trận quan trọng được ưu tiên là Đoàn khối nông thôn bởi đây là nơi tập trung đông đảo lực lượng thanh niên và cũng là nơi phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, khó khăn trong công tác tổ chức, hoạt động của Đoàn. Giải quyết những vấn đề phức tạp, tháo gỡ khó khăn đặt ra từ thực tiễn chính là xây dựng tổ chức Đoàn nông thôn vững mạnh, là mục tiêu phấn đấu của các cấp bộ Đoàn trong toàn huyện.

Thực trạng công tác Đoàn và công tác xây dựng tổ chức Đoàn ở nông thôn


Với địa bàn hoạt động gồm 17 xã và 02 thị trấn và tổng số thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 30 là 34.750 (chiếm khoảng 26,5% dân số), trong thời gian qua, công tác Đoàn trong đó có công tác xây dựng tổ chức Đoàn nông thôn của huyện gặp không ít những thuận lợi và khó khăn. Cùng với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể, các lực lượng xã hội trong toàn huyện, nhiều phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ đã tạo nên sức sống riêng biệt của tổ chức Đoàn, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng xã hội. Trong khi đó, nhận thức của thanh niên ngày càng được nâng lên do được tiếp cận với nền tri thức hiện đại. Thanh niên trong toàn huyện ngày càng nhạy bén trong tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong lao động, sản xuất, đạt được nhiều thành tích cao trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức đặt ra từ thực tiễn luôn đòi hỏi tổ chức Đoàn cần không ngừng đổi mới, hoàn thiện, nhằm phát huy tối đa sức mạnh của một tổ chức quy tụ những thanh niên trẻ nhiều ước mơ, hoài bão trong cuộc sống, xứng đáng là lực lượng trung tâm trong xã hội hiện đại. Vấn đề thanh niên nông thôn đang đổ xô vào các khu công nghiệp, các trường đào tạo nhằm đảm bảo vấn đề kinh tế, mưu sinh cho cuộc sống hiện tại và tương lai là một vấn đề trong công tác tổ chức của Đoàn đang đặt ra từ thực tiễn và cần có câu trả lời thỏa đáng. Bên cạnh đó, những tác động tiêu cực của xã hội ảnh hưởng tới nhận thức và hành động của thanh niên cũng đang hiện hữu như một mối đe dọa đối với tổ chức Đoàn ở nông thôn. Những thuận lợi và khó khăn đó đang đặt ra một bối cảnh đặc biệt, đòi hỏi những sự phát huy, chuyển hóa kịp thời của cả hệ thống tổ chức Đoàn trong toàn huyện


Hiện nay, toàn huyện có 192 chi đoàn thôn xóm với 4.754 ĐVTN; tỷ lệ tập hợp ĐVTN trong tổ chức đạt 50%; số cán bộ Đoàn chuyên trách và không chuyên trách là 871 đồng chí bao gồm Ban chấp hành Đoàn các xã, thị trấn và các chi đoàn thôn xóm. Chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn nhìn chung có xu hướng ngày càng được nâng lên, độ tuổi bình quân ngày càng giảm, số cán bộ Đoàn được kiêm nhiệm các chức danh công tác ngày càng tăng. Trong số 38 đồng chí bí thư, phó bí thư Đoàn xã, thị trấn đảm bảo trên 60% có trình độ chuyên môn đại học và cao đẳng, số còn lại có trình độ trung cấp và công nhân kỹ thuật; 95% đồng chí có trình độ lý luận chính trị sơ cấp và trung cấp; tỷ lệ tham gia BCH Đảng bộ xã, thị trấn là 68%; 50% đồng chí là đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, 02 đồng chí là đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; độ tuổi bình quân là 30,5 tuổi. Cùng với chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn được nâng cao, chất lượng hoạt động của tổ chức Đoàn ở nông thôn cũng không ngừng được củng cố. Hàng năm, 100% Đoàn xã, thị trấn được công nhận vững mạnh và khá (không có đơn vị xếp loại yếu), trên 84% số chi đoàn xếp loại vững mạnh và khá (chi đoàn yếu dưới 5%); trên 83% đoàn viên xếp loại xuất sắc và khá (đoàn viên xếp loại yếu dưới 1,5%)    

Những bài học rút ra từ thực tiễn


Từ thực tiễn công tác xây dựng tổ chức Đoàn ở nông thôn trên địa bàn huyện Kim Bảng có thể rút ra những bài học bổ ích. Đó là những bài học được đúc rút từ những kết quả và hạn chế, đặt ra những yêu cầu mới trong công tác xây dựng tổ chức của Đoàn giai đoạn hiện nay.

Một là: Sự thống nhất trong chỉ đạo của cấp ủy là điều kiện tiên quyết quyết định chất lượng công tác xây dựng tổ chức của Đoàn. Đoàn khối nông thôn hoạt động dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền địa phương trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Đoàn cấp trên. Do đó, vai trò của cấp ủy là hết sức quan trọng. Đặc biệt, trong công tác xây dựng Đảng, lực lượng cán bộ Đoàn là nguồn kế cận, bổ sung cho tổ chức Đảng ở địa phương. Thực tế cho thấy, ở nơi nào sự quan tâm của cấp ủy chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, tổ chức Đoàn nơi đó rất khó phát huy vai trò của mình và ngược lại. Vai trò chỉ đạo của cấp ủy được thể hiện rõ nét trong công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ; công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, đề bạt, đánh giá cán bộ,… Đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy các xã, thị trấn trực tiếp phụ trách công tác thanh niên, thường xuyên đối thoại với thanh niên, định hướng hoạt động cho tổ chức Đoàn, kịp thời giải quyết những khúc mắc, khó khăn trong quá trình hoạt động của Đoàn. Đây là một nhân tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của Đoàn ở nông thôn.  

  Hai là: Vai trò chỉ đạo của Đoàn cấp trên cần hướng đến việc phát huy tối đa tiềm năng của cơ sở, đảm bảo sâu sát, cụ thể, dễ thực hiện. Bám sát cơ sở, tập trung hướng về cơ sở là mục tiêu hoạt động của BTV Huyện Đoàn. Thông qua hệ thống văn bản chỉ đạo, việc duy trì chế độ giao ban hàng tháng, dự họp với cơ sở đã nâng cao chất lượng chỉ đạo. Thông qua các phong trào phát động trong toàn Đoàn, những yếu tố đặc thù của địa phương, cơ sở luôn được tính toán, trao đổi, thảo luận, thống nhất trước khi ra nghị quyết thực hiện. Đối với một số công tác quan trọng, BTV Huyện Đoàn xây dựng các đề án, kế hoạch, chương trình tổng thể kèm theo các hướng dẫn thực hiện và công văn chỉ đạo trong từng giai đoạn thực hiện. Nhờ vậy, việc chỉ đạo của BTV Huyện Đoàn luôn đảm bảo tính thiết thực, phù hợp, cụ thể và dễ thực hiện. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn cơ sở trong quá trình tổ chức triển khai các nhiệm vụ  

  Ba là: Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp nâng cao năng lực cán bộ Đoàn, chất lượng đoàn viên, chất lượng hoạt động của BCH chi đoàn và công tác tham mưu, chỉ đạo của Đoàn cơ sở. Đây là yếu tố quyết định đến chất lượng công tác tổ chức của Đoàn ở nông thôn. Trong đó, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ Đoàn ở cơ sở là vấn đề then chốt được quan tâm, chú trọng bằng việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giao nhiệm vụ làm công tác thanh niên tập trung vào những thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, tốt nghiệp THPT và các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp có nguyện vọng công tác tại địa phương; đánh giá phân loại cán bộ hàng năm đảm bảo toàn diện trên các mặt và là cơ sở cho công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ; kiện toàn kịp thời đội ngũ BCH chi đoàn khi có biến động đảm bảo đủ số lượng và chất lượng; đặc biệt là các tổ chức Đoàn luôn tích cực tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương phân công các chức danh kiêm nhiệm cho bí chi đoàn như công an viên, trưởng, phó thôn xóm. Song song với nâng cao năng lực cán bộ Đoàn, cũng cần quan tâm đến nâng cao chất lượng đoàn viên tập trung vào việc đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho ĐVTN, phát triển đoàn viên mới, triển khai chương trình rèn luyện đoàn viên thời kỳ mới và thực hiện quy trình giới thiệu đoàn viên trường học về sinh hoạt tại nơi cư trú, đẩy mạnh cuộc vận động “Đoàn viên thanh niên phấn đấu trở thành Đảng viên”. Bên cạnh đó, việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của BCH chi đoàn cũng cần phải được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc. BCH chi đoàn cần đảm bảo về số lượng, chất lượng, có phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả, định kỳ hàng tháng giao ban, đánh giá hoạt động, phân công phân nhiệm cụ thể, rõ ràng. BCH chi đoàn cần định hướng cho ĐVTN nông thôn tích cực tham gia phát triển kinh tế, rèn luyện các kỹ năng xã hội thông qua các CLB thanh niên như: CLB Gia đình trẻ, CLB Tiền hôn nhân, CLB Trang trại trẻ, CLB Tuổi trẻ với pháp luật, Đội thanh niên xung kích bảo vệ dòng sông quê hương, Đội thanh niên xung kích xây dựng nông thôn mới,… Trong công tác tham mưu, chỉ đạo của Đoàn cơ sở cần phát huy vai trò của BCH, BTV Đoàn cơ sở trong việc xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động, kiểm tra, đánh giá hoạt động  

  Bốn là: Xây dựng các mô hình điểm chỉ đạo góp phần đưa hoạt động Đoàn đi vào chiều sâu. Việc xây dựng các mô hình điểm bao gồm các điểm toàn diện và từng mặt, điểm cấp huyện và cấp xã được xác định trên cơ sở phân tích đặc điểm, lợi thế của từng đơn vị, lựa chọn đơn vị điểm có tính khả thi; phân công cán bộ phụ trách thường xuyên theo dõi, đôn đốc quá trình tổ chức thực hiện của cơ sở; định kỳ đánh giá, kiểm điểm chất lượng mô hình gắn với đánh giá năng lực cán bộ phụ trách.  

  Năm là: Tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên, đánh giá sơ tổng kết, kịp thời động viên khen thưởng tạo động lực phấn đấu cho cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát cần được tiến hành thường xuyên thông qua các đợt kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất, kiểm tra theo chuyên đề hoặc kiểm tra toàn diện và cần phải được thực hiện ở tất cả các cấp. Việc đánh giá sơ tổng kết cần đảm bảo tính khách quan, công bằng, nêu bật được những kết quả, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện và các gương điển hình tiêu biểu. Trong điều kiện kinh phí cho hoạt động Đoàn còn gặp nhiều khó khăn ở hầu hết các cơ sở Đoàn, việc khen thưởng cần tập trung vào tạo động lực phấn đấu cho cơ sở, biểu dương, khuyến khích bằng tinh thần và vật chất phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị.

Có thể nói, Đoàn nông thôn dù trong điều kiện nào vẫn là một mặt trận quan trọng cần được quan tâm chỉ đạo cả về mặt tổ chức và hoạt động; công tác xây dựng tổ chức Đoàn ở nông thôn có vai trò quyết định đến chất lượng hoạt động Đoàn. Công việc này đòi hỏi sự thống nhất trong chỉ đạo và đồng bộ trong các biện pháp thực hiện. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn công tác của Huyện Đoàn Kim Bảng, đồng thời cũng là những nhiệm vụ đang đặt ra cho công tác Đoàn hiện nay. Sự quan tâm của các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội là nhân tố quan trọng đảm bảo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đã được đặt ra, là nguồn cổ vũ lớn lao cho khát vọng của tuổi trẻ hôm nay vẫn không ngừng chiếm lĩnh những đỉnh cao của thời đại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét