17 thg 6, 2009

Kỷ niệm mùa hè

Mùa hạ lại đến rồi. Trời nắng, trời mưa bất thình lình như tính khí của những nàng thiếu nữ. Em đang cao độ cho một mùa thi còn phượng thì vẫn âm thầm nở làm xuyến xao tâm hồn của biết bao cô cậu học trò. Còn anh thì vẫn đều đặn những công việc trên cơ quan.
Em từng nói, em ghét mùa hè, ghét phải ôn thi, ghét cái nóng oi ả. Em thích mùa xuân vì mùa xuân là mùa của lễ hội, cỏ cây. Còn anh, anh thích mùa thu vì mùa thu là mùa của sự lãng mạn, dịu êm. Anh dường như vẫn không thể nào quên cái cảm giác đón nhận mùa thu Hà Nội. Phía cuối con đường, bên những bến xe bus, vừa chờ đợi những chuyến xe vừa nhìn những thềm lá tuyệt đẹp mở ra trước mắt vừa cảm nhận các se se lạnh mơn man trên làn da. Mùa thu thật đẹp!
Song, bây giờ là mùa hạ - mùa mà cả anh và em đều không yêu. Mùa hạ với anh là mùa của kỷ niệm hơn là mùa của sự yêu thích. Anh đã có thật nhiều kỷ niệm với mùa hạ. Em có muốn nghe anh kể không? Anh em mình bắt đầu lục tìm lại mùa hè trong miền ký ức của anh nhé.
1 - Mùa hạ trắng đầy tuổi thơ
Thật vui và xao xuyến khi nhắc lại tuổi thơ của mình. Tuổi thơ ấy đẹp nhất, giàu kỷ niệm nhất bởi mùa hạ. Những ngày hè trốn cha mẹ giờ nghỉ chưa để đi đá bóng. Mồ hôi nhễ nhại mà vẫn vui, cười nói rôm rả. Những lần bạn bè rủ nhau đi tắm sông, tắm ao hồ, nô đùa thoả thích. Những lần theo bọn trẻ chăn trâu cưỡi chú trâu già rong ruổi bên những cánh đồng, nhìn đàn cò trắng bay rợp trời. Vui thật. Những trưa hè bình thường nằm bên cạnh bố, trên chiếc võng kẽo kịt, nghe bố ru bằng những vần thơ, những câu ca dao đầy ý nghĩa. Những buổi chiều hè theo bạn bè tự làm diều đem thả lên trời xanh nhìn nó chao liệng như đang ngao du giữa trời. Những buổi tối mùa hè theo bầy trẻ nhỏ rủ nhau chơi trò chơi "làm nhà" ngay bên khu vườn rộng lớn. Anh nhớ nhất trò chơi "làm nhà' này. Cả lũ trẻ con trong ngõ có khi cách nhau đến 5 - 6 tuổi vẫn chơi cùng nhau. Cả lũ phân chia nhau thành những gia đình riêng, có bố, có mẹ, có con rồi phân chia cả địa phận gia đình. Mỗi gia đình tự tìm kiếm vật liệu tự nhiên để xây dựng lên những ngôi nhà rồi trang hoàng nó sao cho đẹp nhất. Thường là bằng thân che, lợp mái lá gáo, lá xoan hay là thân lúa. Mỗi nhà một màu sắc riêng, lại có ánh điện riêng của từng nhà. Những ngôi nhà tạo thành một xóm nhỏ, có khi ở nhày này ngó đầu sang nhà kia. Trong xóm nhỏ ấy, mọi người xưng hô thân thiện: "bác - tôi"; trong gia đình xưng hô "bố - mẹ - con - vợ - chồng" rất ấm cúng. Có nhà ắt có chợ. Chợ được lập thành khu riêng để giao lưu bán hàng hóa. Hàng hóa thì rất đa dạng. Gạo có, rau cỏ có, thịt cũng có. "Gạo" là cát được sát rất kỹ càng qua một chiếc máy hiện đại là hốc cây cổ thụ. Gạo đưa vào đó chảy xuống ra thành hai phần rất rõ: phần cát mịn là "gạo sạch" được đem ra chợ bán; phần cát to được đem về nhà để chăn nuôi gia súc. "Rau cỏ" là đủ các thứ lá lảu được chế biến khá công phu hay mớ lại rất cẩn thận. "Thịt" là những con côn trùng đủ cả: dế, giun, cào cào, châu chấu, chuồn chuồn, chim... Những món hàng tạo nên một phiên chợ vui nhộn. Người bán, người mua cũng mặc cả, cò cưa giá. Tất nhiên loại tiền giao thương cũng rất đặc biệt - lá cây khúc tần. Điều thú vị nhất của trò chơi này là mỗi đứa trẻ đều được thử đóng vai một công dân trong xã hội - ứng xử theo vai trò của các công dân. Chính vì sự lành mạnh của trò chơi mà các phụ huynh rất ủng hộ, thậm chí còn giúp trẻ nhỏ trang hoàng nhà cửa. Thật là một điều không thể tưởng tượng được trong xã hội hiện đại ngày nay. Giờ đây con trẻ không còn chơi trò chơi này nữa nhưng những lứa trẻ thơ ngày ấy vẫn luôn nhớ về. Đã có những mùa hè thật đẹp, thật vui từ những tháng ngày ấy. Chỉ cái ngõ ấy thôi, cái ngõ nhỏ mà vui ấy đã làm nên được biết bao điều kỳ diệu. Trẻ nhỏ họp thành nhóm làm công tác vệ sinh môi trường, trẻ nhỏ giúp cho mối quan hệ căng thẳng của một số gi đình giảm đi, trẻ nhỏ giúp cho ngõ nhỏ ấy luôn đầy ắp những tiếng cười. Thật là một miền ký ức không thể lãng quên trong anh.
2 - Tuổi học sinh rực màu hoa phượng
Cũng vẫn là mùa hè để đem đến cho tuổi học sinh những khoảng trờ thơ mộng. Anh không hiểu vì sao cánh phượng hồng trên sân trường vào mùa hè lại có sức lay động lòng người đến thế. Đây là những dòng còn lưu lại trong lưu bút học trò của anh:
"Các bạn biết không, mình không yêu hoa lắm nhưng cánh phượng hồng duyên dáng ở sân trường đã buộc mình phải yêu nó. Mình đâu có biết được rằng, sắc phượng lúc chia tay lạ thấm đẫm hồn người đến thế. Năm nay phượng nở thật đẹp, rực đỏ cả một vùng trời yêu thương, phải chăng cũng ôm lòng da diết nhớ thương tuổi học trò chúng ta? Nhưng phượng ơi, chúng ta sắp xa nhau rồi, đành nói lời tạm biệt. Không biết đến bao giờ ta mới gặp lại nhau. Nếu phượng còn nhớ đến ta thì hãy nở thật nhiều phượng nhé. Ở nơi xa mình sẽ vẫn cảm thất hơi thở nhẹ nhàng khi phượng khẽ mở cánh hồng. Phượng hãy nói với bạn bè ta những tình cảm day dứt trong lòng ta.
Các bạn ơi, các bạn hãy nhìn hoa phượng kìa. Nó đang cười với chúng ta đó. Đừng bao giờ quên hàng phượng vỹ quê mình các bạn nhé. Hãy coi nó như thành viên thứ 43 của lớp A3 mình. Sân trường rực đỏ sắc phượng rồi, cái màu đỏ chia ly của những câu chuyện ngày xưa, của hoa chuối trong thơ Tố Hữu khi về Việt Bắc, hay của thơ Nguyễn Mỹ khi trong không gian của buổi người vợ tiễn chồng ra trận... Tất cả giờ đang tràn ngập trong lòng chúng ta, hòa cũng dòng máu đỏ đập theo những nhịp đập nhẹ nhàng của con tim. Mình xin gom tất cả cánh phượng của trường mình chia đều cho tất cả các bạn - những người bạn yêu quý của tôi ạ".
Thế đấy, mùa hè đã mang đến cho tuổi học trò của cả anh và em những cánh phượng hồng thật đẹp. Lúc nào anh cũng muốn ca lên khúc ca này: "Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng. Em chở mùa hè của tôi đi đâu?" Nó như là xúc cảm thật nhất được khởi phát từ một con tim rất biết cách rung động.
Hẳn những dòng này sẽ khiến em nhớ lại ngày xưa - cái ngày xưa cũng đã tưởng mình đang "thầm lặng mối tình đầu"? Tuổi học trò đẹp lắm em ạ. Tình bạn của tuổi học trò cũng vậy. Anh thấy một điều đáng tiếc nhất của đời người là yêu bạn cùng học của mình. Tình bạn tuổi học trò không có gì thay thế được. Ở đó tất cả sự hồn nhiên, trong trắng đều được tôn vinh. Giữ cho tình bạn ấy được mãi mãi mới là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc sống. Tình yêu đôi khi ích kỷ cươpứ đi những điều tốt đẹp. bản thân tình yêu là sự thánh thiện nhưng rất dễ trở thành đối cực khi sự ràng buộc bị đánh mất. Tình bạn học trò không như vậy.
3 - Mùa hè xanh màu áo sinh viên tình nguyện:
Mùa hè đầu tiên của tuổi sinh viên gắn với địa danh xã Kim Đông, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Một xã miền biển giáp danh với huyện Cồn Thoi - Thanh Hoá. Ở đây màu áo xanh tình nguyện đã trở thành một dấu ấn tuyệt đẹp. Dạy trẻ con học chữ, giúp nhân dân chống bão, làm đồng, những đêm văn nghệ tưng bừng, ấm cúng. Nơi ấy đã in khắc dấu chân của hơn 30 chiến sỹ tình nguyện. Ai cũng thấy tự hào khi được khoác lên mình màu xanh đầy sức sống ấy. Ngày ấy đã qua để lại thật nhiều kỷ niệm. Ngày chia tay Kim Đông là ngày sinh nhật anh. Anh không chỉ hát cho nhân dân nghe mà còn hát cho cả mình nữa. Bài hát "Về quê" như một lời hcào tạm biệt. 160km từ Kim Sơn về Hà Nội, ngây ngất trong men say rượu Kim Sơn nổi tiếng, vẫn còn đó bao hứa hẹn, bao niềm mong ước. Những cặp mắt em thơ xúc động nhìn theo không nói lên lời nhưng đầy ngưỡng mộ. Dường như các em muốn nnói: các anh chị yên tâm, mọt nàgy nào đó bọn em sẽ được khoác lên mình màu áo xanh ấy - màu áo xanh sinh viên tình nguyện.
Mùa hè thứ 2, trở về với cội nguồn của cách mạng, bọn anh được sống trong những ngày ý nghĩa của một vùng chè nổi tiếng: Đại Từ - Thái Nguyên. Chắc sẽ không ai quên địa danh xã Yên Lãng và anh cũng sẽ không quên xóm Khuân Muốn thân yêu nơi anh ở cùng với bà con nơi ấy trong gần một tháng trời. Đi bộ đường đất, sắn quần áo lội qua suối ra trung tâm xã, lặn lội vào vùng sâu dự một buổi lễ bàn giao nhà đại đoàn kết và hát tặng bà con bài "Cung đàn mùa xuân", hàng ngày ăn rau măng rừng ngon đến không thể quên, ngủ ở gác hai của một căn nhà nhỏ trên một ngọn đồi nhìn ra bầu trời đầy sao và ánh điện như những đốm sáng phía xa. Thật nhiều kỷ niệm ở nơi này. Khi ra về, 2 anh em sinh viên tình nguyện được bác chủ nhà tặng mỗi anh em 1kg chè , về quê ai uống cũng khen ngon, chỉ tiếc không được theo anh con trai nhà bác chủ nhà leo núi ngắt hoa sim và hái chè trên đồi. Nhưng lại được chơi cùng các em thiếu nhi trò chơi "Chiếc nón kỳ diệu" thật hay. Các em nhỏ nơi này hồn nhiên quá. Ngày chia tay khóc nức nở tiễn anh chị về Hà Nội, hái hoa dại tặng "thầy cô" mà nước mắt cứ tuôn dòng.Xúc động nhất là lá thư của một em bé lớp 5 gửi về Trường Đại học sau khi anh chị đã hoàn thành nhiệm vụ. Nhà em khó khăn không đi học được nữa. Em chẳng biết chia sẻ cùng ai chỉ biết nhỏ to cùng các thầy, các cô sinh viên tình nguyện. Chắc biết đền giờ em ra sao? Đã 5 năm rồi không liên lạc? Hy vọng những gì ngày xưa anh chị gửi lại đó sẽ giúp em vững tâm hướng tới tương lai. Anh chị cầu chúc em luôn may mắn, bình an trong cuộc đời.
Lại một mùa chia ly vào đúng ngày sinh nhật mình. Không hiểu sao ngày cuối cùng ấy các em đến trường đông vậy? Ôm anh chị mà khóc như thể đang tiễn biệt một người thân sẽ không bao giờ trở về. Sự hồn nhiên của các em đã tiếp sức, tiếp niềm tin cho anh chị tiếp tục theo đuổi con đường mà mình đã lựa chọn.
Ôi, Khuân Muống - Yên Lãng - Đại Từ - Thái Nguyên, cái tên thân thương ấy sao hôm nay nhớ lại còn nồng hơi cay nơi khoé mắt. Bác chủ nhà tốt bụng với một gia đình lớn chắc vẫn nhớ đến mình? Căn nhà ấy thật đẹp, cheo leo trên đồi cao. Có một cái hồ rộng mà chiều chiều hai anh em sinh viên tình nguyện hay xuống đó đi bè xem cá lội, có một vườn chanh rất nhiều quả, một cái "nhà tắm tiên" nhìn xuống thung lũng. Đáng nhớ nhất là một cái gác nhỏ nhìn ra tứ bề lộng gió.
Xin cảm ơn những người dân Yên Lãng đã hân hoan chào đón những sinh viên tình nguyện chúng tô. Mong một ngày sẽ còn gặp lại để kể tiếp những câu chuyện còn dang dở.
Và, cứ như thế, mùa hè chắc sẽ còn nhiều kỷ niệm. Anh mong rằng qua những câu chuyện ấy em sẽ yêu hơn mùa hè. Và nếu như có thể sao em không một lần thử đi tình nguyện, thử một lần chào đón những làn gió mới, những tình cảm mới. Hẳn khi đó, em sẽ thấy cuộc sống sinh viên ý nghĩa nhiều hơn. Mùa hè thật đẹp phải không em? Lúc này giá như có em ở đây anh sẽ đàn và hát cho em nghe bài "Tháng sáu mùa thi" của nhạc sỹ Nguyễn Văn Hiên mà anh rất yêu thích. Bài hát có câu:"Cơn mưa đưa mình vào tháng sáu, thời gian trôi theo tiếng ve kêu. Nghe mùa hạ bồn chồn gõ cửa, nhớ không em kỷ niệm rất nhiều".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét