6 thg 7, 2020

Vĩnh biệt cha - người anh hùng 2 thế kỷ

Vậy là cái ngày không mong đợi cuối cùng cũng đã đến. Giữa cái nắng cháy da cháy thịt của một mùa hè bất thường, chúng con đeo trên mình vành khăn trắng để giã biệt một người cha đặc biệt, một minh chứng sống về nghị lực phi thường và bầu trời bao la của nhân cách và nhân ái.
Suốt hơn 40 năm dòng chiến đấu với bệnh tật, từ chiến trường ra tới đời thực, từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21, từ một phóng viên quân đội phục vụ chiến đấu đến một bệnh binh tàn nhưng không phế, 18h07’ ngày 03 tháng 6 năm 2020 (tức ngày 12 tháng 4 năm Canh Tý), tròn 6 vòng quay của con giáp, cha đã ra đi trong nỗi đau thương, nuối tiếc của bao người. Bên linh cữu cha, những người anh, người chị đã bảy, tám, chín mươi, những người con trai, con dâu mới ba, bốn mươi tuổi đầu, những đứa cháu còn tuổi ăn, tuổi học, những đứa chắt mới được ra đời chưa lâu – những người thân của cha đấy, đã đau thương, đã mất mát, đã quặn lòng với bao day dứt. Dẫu biết rằng, cha đi thanh thản mà sao vẫn đau một nỗi đau khôn nguôi.
Cha ra đi, con không khóc nhiều như ngày mẹ mất, bởi cái ngày này nó đã ám ảnh, rình rập gia đình mình từ không biết bao nhiêu năm nay, bởi chúng con cũng đã lớn thêm, can trường hơn từ sức mạnh và lòng can đảm của cha, bởi con biết, với cha, thể hiện nỗi đau thương với đấng sinh thành phải bằng những việc làm thiết thực. Đừng khóc lóc! Hãy mạnh mẽ! Hãy sống xứng đáng với cuộc đời hào hùng mà cha đã để lại! Dường như con nghe thấy những lời căn dặn đó từ cha.
Nhìn lại cuộc đời của cha, 73 năm thăng trầm, nhiều biến cố, chúng con thêm tự hào vì được lớn lên trong vòng tay dưỡng dục của cha. Mới 6 - 7 tuổi cha mất cha; 18 tuổi cha mất mẹ. Bố vẫn kể, cha còn không nhớ nổi mặt ông nội, đám tang ông, cha vẫn hồn nhiên ném vành khăn tang để chơi đùa cùng chúng bạn. Rồi cả tháng trời cha chăm bà nội ốm, trước lúc bà nội ra đi mãi mãi. Với nỗi đau thương, mất mát lớn lao đó, cha cùng khí thế của những thanh niên thời chiến, xung phong lên đường làm nhiệm vụ đấu tranh, giành độc lập cho dân tộc. Tháng 3/1967, cha cùng lớp thanh niên cả nước tiến vào chiến trường B. Cuộc hành quân trường chinh, dòng giã nhiều năm tháng, đã tôi luyện cho cha ý chí sắt đá của người lính cụ Hồ. Cha được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng khi mới tròn 20 tuổi với những cống hiến xuất sắc của mình trong quân ngũ. 11 năm chiến đấu ở các chiến trường B, C, K, đối mặt với bao hiểm nguy vẫn không làm gục ngã được ý chí của người lính kiên cường. Bao lần sập hầm, rơi vào trận địa của quân thù, cha chết đi, sống lại để rời chiến trường về với thương tật đầy mình. Phổi của cha đã tổn thương nghiêm trọng từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Rồi chiến trường, trở về địa phương, cha mang theo hiệu “bệnh binh”. Bệnh binh chứ không phải thương binh. Và bệnh của cha cứ thế, đằng đẵng suốt 40, 50 năm qua. Cha kết hôn với mẹ khi tròn 27 tuổi. Đó chính là những ngày đất nước vừa mới được trọn niềm vui. Trong ký ức của chúng con còn lại, chỉ còn nhớ tuổi thơ của mình gắn với cha bằng những lời ru, câu hò và vòng tay chăm bẵm yêu thương, cùng với những trận đòn roi của cha. Cha là người thương con, dạy con một cách nghiêm khắc. Có lẽ cũng vì thế, chúng con lớn lên theo một cách đặc biệt so với chúng bạn. Nhiều người nói cha “gà trống nuôi con” vì mẹ có sức khỏe nên đi làm kiếm tiền, cha ốm yếu ở nhà chăm sóc con cái và lo việc gia đình. Cha nuôi dạy con cái bằng đòn roi nhiều hơn lời yêu thương và những đòn roi đó cũng khiến chúng con trưởng thành, mạnh mẽ hơn. Tình thương của một người cha bao giờ cũng đặc biệt như thế.
Trong chiến trường cha là người lính can trường, mưu trí; trong thời bình cha là người tận tụy với gia đình và công tác xã hội. Dù bệnh tật, ốm đau và đồng trợ cấp ít ỏi của đối tượng bệnh binh 2/3, nhưng cha vẫn không quên cống hiến hết mình cho công tác xã hội. Nhớ những ngày cha làm đội trưởng đội sản xuất, bí thư chi bộ, trưởng thôn xóm, cha phải dắt chúng tôi đi dọc những cánh đồng để thăm nom, lo lắng cho mùa màng của bà con. Cha thuộc vị trí, diện tích của hàng trăm thửa ruộng của bà con như thế đó là thửa ruộng của nhà mình vậy. Tôi vẫn nhớ, cái ngày theo cha đi tiêm phòng gia súc, gia cầm trong xóm, bị chó đuổi cắn chảy toang máu gót chân. Chắc cha xót lắm. Tôi còn nhớ, cha cứ nằm dài làm sổ sách, cộng cộng trừ trừ của các phương án sản xuất làm thủ công. Tôi còn nhớ cha rất khéo tay, hay vẽ, cắt chữ thủ công cho các sự kiện của xóm, thôn, làng xã. Tôi vẫn hay theo phụ cha làm những vòng hoa cho những công dân của xóm qua đời hay dán chữ thủ công, chuẩn bị hội trường (là nhà riêng của mình) cho Đại hội của chi bộ. Những ngày tháng đặc biệt đó, đã chuyền cho tôi rất nhiều ước mơ, hoài bão. Tôi muốn đi theo con đường mà cha đã đi - con đường vất vả nhưng vinh quang, cống hiến hết mình cho tập thể.

Những năm tháng cuối đời, sức khỏe của cha ngày càng suy giảm. Tôi không còn nhớ nổi cha đã phải đi viện hay điều trị bệnh tại nhà biết bao nhiêu lần. Cứ mỗi khi trái gió, chở giời, cứ mỗi khi mùa đông đến với những cơn gió lạnh là những vết thương trên ngực cha lại đau nhức nhối. Bệnh phổi của cha gắn với những cơn ho ra máu, với thân hình tiều tụy, gầy còm, nếu không có bàn tay chăm sóc của mẹ và ý chí kiên cường của cha, tôi không hình dung nổi chúng tôi đã có thể mất cha tự bao giờ. Chiến đấu kiên cường với bệnh tật, nhiều người nói có chuyên môn nói, cha tôi đã đạt đến hiện tượng hy hữu trong y học.
Tôi không có cơ hội để được chăm sóc cha nhiều, bởi tôi là con út và nhận được nhiều sự ưu ái từ cha và gia đình cho việc ăn học. Cả gia đình chỉ mình tôi được ăn học đến nơi đến chốn. Và tôi biết, thành công hiện tại của tôi là nước mắt, mồ hôi, là biết bao lần nén nỗi đau bệnh tật của cha. Khi chúng tôi lớn lên, cha không còn nghiêm khắc với chúng tôi như xưa nữa và chúng tôi hiểu cha nghĩ, chúng tôi đã trưởng thành. Đó là cách dạy con rất đặc biệt mà chắc chắn bản thân chúng tôi sẽ phải suy nghĩ rất nhiều.
Những ngày cuối cùng trên giường bệnh, cha gầy đi trông thấy, sức cùng, lực kiệt, hơi thở khó khăn. Nhìn cha dòng giã với những mũi tiêm, lọ truyền, ven vỡ vụn khiến nhiều y tá bất lực và những hơi thở khó khăn của cha; chúng tôi đau xót lắm. Đã có những lúc muốn cha đi nhanh hơn để những cơn đau không còn hành hạ cha nhưng sao đành lòng!
Cha đã ra đi vĩnh viễn với một nuối tiếc duy nhất trong đời là chưa xong việc cải cát cho mẹ. Chính vì vậy, ý nguyện được hỏa táng của cha, chúng tôi hiểu rằng, đó là sự chấp nhận và hy sinh của cha cho mẹ. Chúng tôi đã làm và tin rằng, ở nơi rất xa kia cha đã yên lòng?!
Cha ra đi, không để lại những lời trăn trối rõ ràng, nhưng chúng tôi hiểu những điều cha căn dặn từ chính cuộc sống thường nhật hàng ngày khi cha còn khỏe. Đã có lần cha nói với tôi, con là con út, được ưu ái nhiều, khi cha mẹ mất đi, nhớ nghe lời anh chị, đừng để nảy sinh bất hòa anh em. Cha cũng từng khéo léo dặn tôi, con là thằng biết chịu nhịn, các anh con nóng tính, hãy biết làm dung hòa để anh em đoàn kết, nương tựa nhau trong cuộc sống...Tôi biết, cha dành nhiều yêu thương cho tôi, đứa con út tuy được ăn học đàng hoàng nhưng lại mất mẹ mất cha từ sớm. Cả cuộc đời cha chỉ nghĩ đến con cháu như thế. Tôi không phải tuýp người khéo léo trong ăn nói, đôi khi tiết kiệm trong cách thể hiện tình cảm nên cũng không bộc bạch hết được nỗi lòng của mình với cha. Nhưng tôi tin, cha hiểu tính cách từng người con, người cháu, người anh em trong nhà. Tôi tin, cha hiểu tình yêu của tôi dành cho cha.
Đã rất nhiều điều tôi muốn làm và cố gắng làm cho cha khi còn sống. Tôi đã từng cố gắng đi tìm những người đồng đội thân thiết bị mất liên lạc của cha. Tôi đã từng cố gắng phấn đấu vươn lên trong công việc để cha được an lòng. Tôi đã từng muốn làm cho cha mẹ một căn nhà khang trang hơn để an dưỡng tuổi già. Tôi đã từng cố gắng để giữ hòa khí anh em trong gia đình mỗi khi có xung đột. Bởi tôi biết, đó là cách tốt nhất để báo hiếu cha mẹ, để xoa dịu phần nào nỗi đau, mất mát và những thiệt thòi của cha. Cũng may thay, cha đã tìm lại được 2 người đồng đội cũ trước khi cha qua đời. Tôi cũng đã ổn định công việc và tiếp tục với công tác xã hội – những điều mà cả cuộc đời cha theo đuổi. Cha cũng đã kịp được sống trong những ngôi nhà khang trang hơn của những cậu con trai cũng gắng gồng mình trong cuộc sống. Con cháu của cha cũng đã đoàn kết, hết lòng với những ý nguyện và mong muốn của cha. Chúng con sẽ phải làm rất nhiều nữa để đền đáp công sinh thành, dưỡng dục. Nhưng với tình yêu thương của cha mẹ, chúng con sẽ nguyện gắng sức hết mình cho một tương lai tươi sáng hơn của gia đình mình.
Vậy là cha đã ra đi vĩnh viễn. Căn nhà này đã mãi mãi không còn được chứng kiến những bước đi của cha. Chúng con đã mất đi cả hai người yêu thương nhất. Nhưng có những kỷ vật mà con cháu xin được giữ mãi để tưởng nhớ về người cha kính yêu của mình. Chiếc xe máy gần 11 triệu đồng cha mẹ tặng cho con khi bắt đầu lập nghiệp; những tấm huy chương, huân chương của cha; bộ quân phục sỹ quan quân đội con mua tặng mà cha mới chỉ dùng được 1 lần; chiếc giường cha nằm lúc qua đời; chiếc đài radio con mua tặng cho cha khi cha bệnh nặng nằm liệt giường; những tấm hình cha nâng niu bao nhiêu năm qua và cả một bầu trời ký ức về cha. Chúng con mãi khắc nghi và giữ mãi hình bóng cha trong cuộc sống này. Hãy yên nghỉ cha nhé - người anh hùng 02 thế kỷ của chúng con!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét