6 thg 7, 2020

KÝ SỰ HÀNH TRÌNH VỀ VỚI MIỀN NAM phần 3: PHÚ QUỐC ĐẢO NGỌC

Ngày thứ hai tại Phú Quốc, có nhiều hơn cơ hội để trải nghiệm những cảm xúc mới lạ ở nơi đảo ngọc kỳ vỹ này.
Mở đầu ngày mới, chúng tôi có dịp ghé thăm xưởng sản xuất ngọc trai trên đảo. Người hướng dẫn chỉ cho chúng tôi khá sơ bộ về cách nuôi cấy ngọc trai và cách thức để tạo ra những sản phẩm ngọc trai có giá trị mang thương hiệu Phú Quốc. Để nuôi cấy ngọc trai người ta mất ít nhất 3 năm và ngọc trai là nguồn nguyên liệu vô cùng quý giá cho sản xuất hàng hoá trang sức như dây chuyền, vòng tay, trâm cài tóc, nhẫn,...cùng với bàn tay của người thợ, nét đẹp tự nhiên của viên ngọc trai chính là yếu tố quan trọng tạo nên giá trị của sản phẩm hàng hoá ngọc trai. Quan sát quanh showroom trưng bày, chúng tôi thấy rất nhiều người nước ngoài. Có lẽ người nước ngoài hiểu khá rõ về sự trù phú của hòn đảo xinh đẹp này và tìm đến có lẽ nhiều hơn cả cách mà người Việt tìm đến đây. Rất nhanh, tôi kịp tranh thủ xin vài kiểu ảnh với cặp vợ chồng người Đức. Họ khá ngạc nhiên và hồ hởi và cũng đầy vẻ hạnh phúc khi đến với vùng đảo kỳ thù này.
Bốn bề là nước biển, đảo Phú Quốc giống như hòn ngọc lung linh giữa biển khơi đưa con người đến một nơi kỳ vỹ. 2 ngày tại đây chúng tôi cũng kịp trải nghiệm những bờ biển xanh trong, lãng mạn. Trong đó, có bờ biển phía Đông nước Việt và cũng có cả bờ biển. Phía Tây nước Việt chỉ cách biên giới nước bạn Căm-pu-chia chỉ chừng 6km đường biển. Biển quá đẹp và lãng mạn để những gã hiếu kỳ như bọn tôi tận hưởng một cách khá trọn vẹn. Chúng tôi khá láu cá, đã kịp thuê những chiếc ghế trên bờ biển để ưthưởng thức một giấc ngủ trưa lãng mạn và thoải mái. Từ đây, nhìn ra biển xanh, lấp ló những con thuyền và cái nét trong xanh đến lạ lùng mà tôi chưa từng được chứng kiến ở một bãi biển nào khác, con tim rạo rực hướng về thiên nhiên và điểm xuyết trong đó là bóng dáng của những kiều nữ năm châu bốn biển cứ ẩn hiện dưới ánh nắng và màu xanh tươi tắn của biển khơi. Biển Phú Quốc trở nên sống động hơn bao giờ hết và giấc ngủ trưa của chúng tôi trở nên thật hoàn hảo.
Ấn tượng lớn nhất trong chuyến thăm Phú Quốc có lẽ là nhà tù Phú Quốc. Ngày nay chúng ta nhìn Phú Quốc như một thiên đường trên biển nhưng hẳn không phải tất cả người Việt Nam nào đều biết cách đây khoảng chừng 50 năm nơi này được coi là "địa ngục trần gian". Cái địa ngục đó như thế nào thì có lẽ phải đến tận nơi nhà tù Phú Quốc ta mới có thể hiếu hết ý nghĩa của nó. Những hàng thép gai với những vòng gác nghiêm ngặt của nguỵ quân, những kiểu tra tấn nhục hình tù cộng sản mà đến trong cơn ác mộng cũng không mấy người được trải nghiệm; đến cả ý chí ngoan cường của nhữnig người cộng sản, trong khoảnh khắc cận kề cái chết họ vẫn hiên ngang, kiêu hãnh phẩm chất bộ đội cụ Hồ. Hơn 40 nghìn chiến sỹ cách mạng bị địch bắt nơi đây. Trong 7 lần đào hầm thoát ngục, chỉ có khoảng 200 người thoát khỏi. Quá nhiều chiến sỹ đã hy sinh tại nơi này trước sự tàn bạo của kẻ thù. Chúng tôi không khỏi rùng mình ghê rợn trước khung cảnh tang thương của nhà tù với roi sắt, roi đuôi cá đuối, dao, kiếm, vồ, muối, xà phòng, chảo nước sôi, đinh, kìm hay chỉ đơn giản là một thanh thước gỗ. Đó là những vũ khí tàn bạo để kẻ thù đàn áp những chiến sỹ quả cảm. Thật không thể tin nổi với những kiểu tra tấn nhục hình như: "chuồng cọp kẽm gai", lộn vỉ sắt, đánh bằng chày vồ, đánh bằng gậy, đánh bằng roi cá đuối, gõ thùng, đục răng và bẻ răng, lấy móng tay, móng chân, đóng đinh vào người, đục lấy xương bánh chè, nướng sắt đỏ đâm xuyên bắp chuối, ném người vào chảo nước sôi, nướng người, rà đèn điện cho mù mắt, đổ nước xà bông sôi vào miệng, đốt miệng và đốt hạ bộ, chôn sống tù binh, chiếu đèn, biệt giam...Sở mục những mô hình phác hoạ cảnh đau thương, tim tôi như quặn lại, nghĩ về những người thân của mình đã từng sống tron cảnh đau thương đó cách đây nửa thế kỷ. Đó là bố vợ tôi, là người hành xóm thân thiết nơi quê nhà. Chiến tranh đã đi xa nhưng vẫn thật chứa đựng quá nhiều tội lỗi. Song cũng thật kỳ diệu, chính trong chết chóc, phẩm chất kiên cường của người Việt vẫn sáng lên. Những người tử tù không nguôi khát vọng đấu tranh cho ngày đất nước được giải phóng. Họ vẫn âm thầm cố giữ gìn mạng sống, đào hầm xuyên ngục để về với cách mạng, truyền cho nhau những bài thơ khích lệ tinh thần đấu tranh của Tố Hữu, Hồ Chí Minh, vẫn nghiên cứu về Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm như thể hiện cho niềm lạc quan cách mạng. Và cũng thật diệu kỳ, chính sự hy sinh lớn lao đó đã mang đến sự bình yên hôm nay, biến nơi này từ nơi địa ngục thành một thiên đường cho chúng ta chiêm ngưỡng. Những thế hệ trẻ hôm nay, thiết nghĩ nên một lần đến với nơi đây để trải nghiệm những cảm giác kỳ lạ đi sâu vào tâm linh con người. Một khát vọng sống diệu kỳ ngay từ trong chết chóc. Dẫu rằng, cách chúng ta thể hiện lòng yêu đời, yêu tổ quốc ngày này có rất nhiều lý do để khẳng định đã khác nhiều so với hơn nửa thế kỷ qua, nhưng những giá trị từ quá khứ là có thực và đang là điểm tựa vun đắp cho cuộc sống mỗi chúng ta ngày hôm nay. Chỉ có một điều tôi còn thắc mắc, không hiểu vì sao những vị khách thăm quan nhà tù hầu như chỉ toàn người Việt trong khi đó người nước ngoài đến với Phú Quốc theo quan sát của tôi có đến không dưới 30 phần trăm lượt khách trên đảo?
Hình ảnh nhà tù Phú Quốc cứ ám ảnh trong tâm trí tôi, khiến những trải nghiệm buổi đêm bớt đi sự thú vị. Buổi tối, chúng tôi tìm đến chợ đêm ở Trung tâm huyện đảo, thăm thú và thưởng thức hải sản với chút mực nướng, cá chích băm và ốc hương, rồi thêm ly bia 333 khoái khẩu của người Nam Bộ. Khi ra về không quên thử cảm giác đi dọc trên bãi biển ngắm trăng đang lên và ánh sáng từ những con tầu ngoài biển khơi còn le lói trong tầm nhìn của chúng tôi.
Cuộc hành trình khám phá sự kỳ diệu của đảo ngọc Phú Quốc của chúng tôi đã đi đến những giờ phút cuối cùng để chuẩn bị hướng cánh lái về Tây Đô thăm vùng đất "gạo trắng nước trong". Vẫn háo hức để khám phá giống như một người tập bơi đang rất muốn vươn mình ra thật xa bờ biển...(còn nữa).














































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét