6 thg 7, 2020

Nối lại tình xưa

Sau 20 năm, mấy ông học trò cũ lóc cóc đi ô tô đến nhà các thầy cô giáo cũ mời dự Hội khóa. Có lẽ đây là lần tái hợp hiếm hoi sau ngần ấy thời gian xa cách. Vì thế cũng có một số chuyện để kể cho các bạn nghe:
1. Thầy cô vẫn như xưa:
Thật mừng vì thầy cô dù có già hơn xưa 20 tuổi nhưng vẫn có cảm giác như xưa. Vẫn những trái tim nhiệt huyết ấy dù người nhớ, người quên những cậu học trò xưa; vẫn những bài giảng thấm đẫm cuộc đời; vẫn những lời tâm giao, trí cốt; vẫn những khuôn mặt thân quen nhưng gương mặt đã có thêm nhiều nếp nhăn; vẫn những người thầy, người cô đáng kính đi theo cả thời tuổi thơ dữ dội của thời kỳ áo còn chưa lành, cơm còn chưa no với nhiều gia đình. Các thầy cô, bôn ba với cuộc đời giờ đa phần đã lên ông, lên bà nhưng vẫn mãi còn đó nét dung dị của những người giáo viên nhân dân cả đời hy sinh cho sự nghiệp trồng người. Điều mừng vui nhất là các thầy cô nay đều đã nhà cửa khang trang, con cháu đề huề, sống vui với tuổi già tuy có người sức khỏe không còn được thanh xuân như xưa nữa.
2. Những câu chuyện từ cuộc hành trình
- Sang làng Ngọc Động vốn nổi tiếng giàu có từ nghề làm mây giang đang một thời mà đám chúng tôi vòng quanh làng 3 vòng mới mua được mấy sấp bánh. Anh em cười thầm "thua Hoàng Tây hết!".
- Tới thăm nhà cô Thuận, cô không nhận ra được ai trong số 5 anh em chúng tôi, nhưng vẫn nhớ như in những câu chuyện ngày xưa và mang máng nhận ra đám học trò cũ của mình. Cô vẫn cười dịu dàng như thế như thể vẫn là cô của 20 năm về trước.
- Cô Toản già hơn xưa, tóc bạc thêm nhiều, dáng người vẫn vậy nhưng đi không còn nhanh nhẹn như trước. Hình như cô chẳng còn thể nhớ nổi ai nhưng vẫn hứa cô sẽ đi xe đạp sang dự Hội Khóa. Cả đám dưng dưng nước mắt nghĩ đến sẽ bố trí đến đón các cô về dự cho đông đủ và an toàn.
- Cô Long đón tiếp tụi mình bài bản nhất vì biết trước lịch trò đến chơi. Vừa đến nhà đã có ngay 01 đĩa hoa quả và đĩa bánh cho tụi mình. Trong câu chuyện, cô dưng dưng nước mắt nhớ lại quãng đường 35 năm (trọn vẹn sự nghiệp công tác) cống hiến cho mái trường yêu dấu ấy. Có những lúc chống lệnh cấp trên để chuyển trường tốt hơn; có những lúc khắt khe với học trò để học trò có tương lai tốt hơn; có những lúc mất ngủ, quên ăn đau đáu cho những bài giảng và phương pháp dạy Văn, dạy Sử tốt nhất cho học trò. Bất ngờ với câu chuyện, nhiều giáo viên cũ ngày đầu đến trường đã muốn bỏ chạy vì nơi ấy quá nghèo, học sinh nhìn nhếch nhác, đói rách. Nhưng cũng từ đáy lòng cô, học sinh Hoàng Tây chân thật, chất phác, hiếu học, ngoan ngoãn, là niềm tự hào của thầy cô. Cô đon đả tiễn cả đám ra tận xe như chưa muốn rời đám học trò cũ.
- Thầy Ngọc dạy nhiều trường trong đó có trường THCS Hoàng Tây, giờ cũng bỏ nghiệp giáo viên làm công chức Nhà nước. Anh em tới nhà nhưng không gặp, chỉ thấy cơ ngơi khang trang với rất nhiều cây hoa và không gian xanh.
- Cô Nghĩa giờ yếu nhất, chân tay tê đau, đi lại phải dùng gậy, trí nhớ suy giảm nhiều, không nhận ra một ai trong đám học trò. Nhưng mừng vì con cái cũng thành đạt, nhà cửa khang trang. Nhìn di ảnh thầy trên bàn thờ - người hiệu trưởng cũ của chúng ta mà cảm xúc lại ùa về. Vẫn nhớ như in, xưa đi thi Học sinh giỏi cấp huyện thầy gặp gỡ và trao tặng mỗi bạn 2000 đồng làm lệ phí. Tết đến thầy quán triệt không học trò nào được đến nhà thăm thầy cô vì đường xá xa xôi và xe cộ phức tạp thế mà tụi nó vẫn đến tặng hộp phấn, cái khăn, cái áo. Thầy mất rồi, cô thì yếu nhưng lứa học sinh của thầy cô ngày ấy đang từng ngày lớn lên từ công sức của thầy cô.
- Thầy Nghiêm Thăng Long cứ áy náy vì nhớ rằng không dạy tụi mình hồi cấp 2, thầy bảo "Tao có dậy chúng mày đâu, đến ngại lắm", ấy thế mà bị cả bọn đến "đối chất" với thầy mới rõ sự việc thầy có dậy năm lớp 6 mới chuyển trường. Thầy giờ có bệnh nên gầy yếu hơn xưa nhưng cái nét tươi vui, hóm hỉnh của người thầy Tổng phụ trách vẫn còn đó. Gặp thầy lại nhớ cái thuở chạy 2 vòng quanh hồ cá Bác Hồ, nhiều người ngất không chịu nổi. Uống với thầy 3 ly rượu ngoại và một lời hẹn, 11/8 trở lại sẽ lợi hại hơn xưa!
- Gặp lại cô Phượng Béo thuở nào nay đã thành cô Phượng gầy, cô khác xưa đến ngỡ ngàng. Nhưng lối giảng văn và nói chuyện thì vẫn như vậy. Mấy câu mày - tao thân thuộc thuở nào nghe gần gũi đến lạ. Cô không còn được khỏe như xưa nhưng vẫn hứa sẽ tham gia Hội Khóa và không phải một ai đón hết vì cô muốn được độc lập, tự chủ và để cho các bạn thoải mái trong ngày Hội khóa.
- Cô Lan, có lẽ là nhân vật đặc biệt nhất vì đến nhà cô mới khai thác được năng khiếu hót hay của Biên bụ bẫm và mới biết ngày xưa cô là idol của hắn. Hắn nhớ như in cô đi loại xe gì, màu gì, mặc quần áo phong cách gì. 20 năm trôi qua, cô có già đi nhưng chất Văn còn đó, nhẹ nhàng, thân thiết với học trò. Cô có 4 năm gắn bó với Hoàng Tây, từng ngậm ngùi, rơi lệ khi nhận Quyết định phân về dậy ở mái trường nghèo xác xơ thuở ấy nhưng vẫn khẳng định rằng, nơi ấy cho cô những kỷ niệm tươi đẹp của tuổi thanh xuân. Mừng vui vì sau 20 năm cô vẫn nhận ra một vài cậu học trò xưa. Mình hay chát với cô từ ngày kết nối lại, thấy trái tim nhân hậu với những việc làm thiện nguyện và tâm hướng Phật mà mình mừng thầm: Đây chính là cô của mình 20 năm trước. Mình lại nhớ những bài văn cũ, từ Cậu bé tý hon đến Tre Việt Nam, từ sự tích Mai An Tiêm đến câu chuyện Mị Châu, Trọng Thủy. Đấy, chính cô chúng ta làm cho mình yêu Văn và có thêm một trái tim nhân văn từ những bài giảng từ xa lắm.
- Từ cô Lan mà tìm ra cô Tăng Thị Huệ vì hai cô giờ cùng dậy một trường; cả đám quyết định đến tìm lại người cô mà theo trí nhớ của một số người là xinh lung linh nhất trường. Gặp cô, nghe tâm sự, mới biết những nỗi niềm thầm lặng của những người thầy. Cô lận đận với việc giảng dậy, từng thi trượt viên chức nhiều lần, đã từng đốt sách, hứa bỏ nghề, vì kiểu như nghề không ủng hộ mình; sao thì lần nào cũng là người đầu tiên của danh sách trượt. Có vinh quang nào không trả giá bằng những nỗi đau, mồ hôi và nước mắt; điều quan trọng là ta vẫn vững lòng trên bước đường đã chọn và tự hào với những gì mình làm được để truyền cảm hứng cho hậu thế mai sau.
- Gặp lại cô Doan, người cô quá quen thuộc vì là cô giáo làng; cô vẫn đầy vẻ tự hào về đám trò cũ. Có lẽ ít người được như cô; vừa nghiêm khắc, vừa yêu thương; vừa là cô; vừa là mẹ đã chắp cánh cho bao ước mơ bay cao. Cô vẫn là người cô tuyệt vời đối với chúng mình mãi mãi, các bạn nhỉ?
- Định bụng sẽ kéo cả đoàn tầu đến nhà thấy Vũ Duy Long để triệu mời thầy tham gia Hội Khóa bằng được vì biết thầy rất ngại những việc như thế này thế mà cuối cùng cũng chỉ còn lại 3 tên. Thầy vẫn nhận ra hết mấy anh em dù rất hiếm khi thầy ra khỏi nhà. Thầy giáo làng nhiệt huyết thuở xưa vẫn vậy, có một cái nhìn đời sắc xảo và góc cạnh. Nhiều người bảo thầy có chiêu "khích tướng" rất giỏi và đúng thế thật, đến giờ thầy vẫn khích, vẫn khích để người Hoàng Tây đừng bó buộc ở mảnh đất lạc hậu này mà hãy tung cánh đến Hà Nội, đến Paris, London. Với mình, thầy là người khá dị nhưng yêu thương và hết lòng với học trò. Thầy vẫn dõi theo bước đi của từng cậu học trò xưa và nắm bắt hết sự nghiệp của từng người nhưng... Thầy vẫn rất quả quyết, đúng với phong cách xa xưa. Như cách nói của Đại ấm đúc kết lại phản hồi của thầy về lời mời Hội Khóa chỉ ngắn gọn có mấy câu "Cảm ơn! Chào thân ái và Quyết thắng!". 
Đấy, chân dung sơ bộ những thầy cô thân yêu của chúng ta sau 20 năm như thế đấy. Các bạn hãy cùng về Hội Khóa để tìm hiểu thêm những câu chuyện thú vị sau 20 năm. Ngày gặp gỡ không còn xa nữa, các bạn nhỉ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét