Đường từ Nha Trang tới Đà Lạt có độ dài 180 km. Chúng tôi phải mất gần 5 tiếng đồng hồ để di chuyển. Tuy nhiên, những trải nghiệm trên quãng đường đó cũng khá thú vị. Tôi rất thích cái cảm giác nhì qua ống kính ô tô để nhìn ngắm cảnh núi non hùng vỹ. Tuy nhiên, những khúc cua tay áo cũng khiến chúng tôi cũng khá lạnh gáy khi một bên là vực sâu, một bên là núi cao. Thật mừng vì được đi trên chiếc xe khá tiện nghi được điều khiển bởi một chuyên gia đường rừng. Sự điềm tĩnh, cẩn thận, chắc chắn của bác tài xế đã khiến mọi người quên đi cảm giác mệt mỏi, sợ hãi để tận hưởng trọn vẹn một chuyến khám phá đầy lý thú. Tôi khá ấn tượng với cảnh núi rừng nơi đây và cả những đồi thông, những vườn hoa nhìn từ trên lưng núi xuống. Những ngôi nhà cũng khá độc đáo với kiến trúc thấp bé, làm bằng gỗ thông nằm rải rác trên những tuyến đường chúng tôi đi.
Xe cập bến Đà Lạt khi trời đã quá trưa và những cơn mưa cùng không khí se lạnh khiến chúng tôi có cảm giác như đang được sống trong mùa thu Hà Nội. Mọi người khá hồ hởi bởi một cuộc hành trình an toàn và nhẹ nhàng. Hơn nữa, điểm trú chân của chúng vẫn được duy trì là một khách sạn 3 sao khá đẹp nằm ngay giữa trung tâm thành phố. Điều đó cũng rất ý nghĩa để mọi người có điều kiện tốt nhất trong cuộc hành trình khám phá một thành phố thơ mộng, hiền hoà.
Chuyến khám phá của chúng tôi chính thức bắt đầu vào lúc 14h30 và điểm đến đầu tiên của chúng tôi là Dinh Bảo Đại - công trình đã được xây dựng cách đây trên 80 năm. Chúng tôi có 30 phút được trải nghiệm với một thế giới hoàng cung đã trở thành thời xa vắng. Hình như tất cả mọi người, ai cũng muốn được trải nghiệm một lần thử đóng vai những hoàng thân, quốc thích năm xưa để sung sướng với những tấm ảnh chụp ở trong khu dinh thự nghỉ dưỡng của vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Công trình xáy dựng không quá cầu kỳ về kiến trúc nhưng khá tiện nghi so với thời điểm lúc bấy giờ. Hẳn nơi đây đã từng được xem là một nơi nghĩ dưỡng tốt nhất của Việt Nam? Ngày hôm nay, cùng với một Đà Lạt năng động, dinh thự đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn thu hút du khách bốn phương.
Chia tay Dinh Bảo Đại, trời vẫn lất phất mưa, chúng tôi tìm đến với XQ Đà Lạt Sử Quán để chiêm ngưỡng những sản phẩm tranh thêu vô cùng ấn tượng. Những sản phẩm tranh thêu vô cùng tinh xảo khiến cho nó trở thành những sản phẩm cao cấp. Với các thành viên trong đoàn, sở hữu một trong những bức tranh thêu nơi đây là một điều quá xa xỉ bởi giá trị rất cao trong từng bức tranh.Tôi khá ấn tượng với cách bày trí, sắp xếp trong khuôn viên Sử Quán. Nó mang một nét đẹp rất truyền thống, giản dị mà thanh đạm. Chúng tôi cũng có dịp tiếp xúc với một số công nhân làm việc ở đây và được biết những khó khăn, vất vả của người thêu hàng. Đó là một công việc đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế và kiên trì. Để có một sản phẩm đến với người tiêu dùng, những người thợ đã gửi cả hồn mình vào trong từng đường kim, nét chỉ. Chính vì thế những sản phẩm nơi đây gần như là hoàn hảo.
Khá nhiều thành viên trong đoàn hồ hởi để được khám phá Đà Lạt về đêm. Khi những ánh đèn toả sáng cuối những con phố cũng là lúc các nhóm bắt đầu tách tốp. Nhóm của tôi tìm đến chợ Đêm của thành phố với những hàng hoá chủ yếu là quần áo len và hoa quả và cũng kịp kiếm cho mình vài sản phẩm làm quà. Ấn tượng của khu chợ này còn ở công tác PR. Đến đây ta nghe rất nhiều những lời chào hàng độc đáo ít gặp ở những khu chợ khác. Kiểu như những câu:
- Năm chục, năm chục, năm chục...
- 20 nghìn ba đôi, 20 nghìn ba đôi.
- Áo bốn chục, bốn chục, bốn chục...
Trong khi mọi người mải mê với những thứ hàng hoá rẻ đẹp, tôi tìm đế với những hoạ sỹ đường phố. Bằng bàn tay khoéo léo và đôi mắt tinh tường, những nghệ sỹ trẻ đã ký hoạ rất nhanh và đẹp mắt chân dung của khách hàng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét