30 thg 12, 2009

Một năm nhìn lại...



1. Công việc: nỗ lực hết mình nhưng kết quả chẳng được bao nhiêu
Mọi việc bắt đầu từ khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 81/2009/QĐ-TTg về hỗ trợ tiền Tết cho hộ nghèo. Hơn 3000 hộ nghèo của huyện nhà có cơ hội được có một cái Tết to nhất từ trước đến giờ và quả đúng là như vậy. Những hộ khá khẩm nhất cũng được 1 triệu đồng, hộ thấp nhất cũng được 200 nghìn đồng tiêu tết. Cả xã hội náo nức với những thành tựu kinh tế mà nước nhà đã đạt được và trong khoảnh khắc ấy không thể không chăm lo cho những người nghèo. Song với một chuyên viên phụ trách công tác bảo trợ xã hội như tôi thì thực sự đó là khởi đầu của muôn triệu những rắc rối.
27 Tết vẫn còn làm "rập mặt" lo lập danh sách, đối chiếu danh sách hộ nghèo để cấp tiền đảm bảo không sai một người. Cả Phòng được tăng cường trong mấy ngày giáp tết chỉ làm danh sách cấp tiền hộ nghèo ăn tết trong khi sáng 26 tết mới có văn bản chính thức chỉ đạo việc thực hiện Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ. Thật là những dấu hiệu không bình thường của một năm nhiều những chuyện không bình thường xảy đến.
29 nghỉ Tết, về quê vui với gia đình, anh em họ hàng, câu chuyện vẫn nghe khá nhiều trong dịp Tết vẫn liên quan đến việc cấp tiền cho hộ nghèo. Nào là thiếu công bằng, nào là không chính xác,... dường như chưa bao giờ xã hội có dịp được đề cập đến một vấn đề nóng hổi như thế. Không lâu sau, nào là tin các địa phương thực hiện cấp tiền hộ nghèo sai quy định được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và thế là, những ngày đầu tiên của một năm mới, câu chuyện bắt đầu đầu năm lại vẫn liên quan đến hộ nghèo và cứ đằng đẵng kéo dài đến tận bây giờ.
Ai cũng biết, đây là một chính sách lớn có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta nhằm quan tâm một cách thiết thực và sâu sắc đến đời sống của tầng lớp dân cư nghèo khổ. Song, đằng sau nó phát sinh bao nhiêu vấn đề phức tạp được cả xã hội quan tâm, các ngành chức năng vào cuộc, làm rõ.
Người nghèo đã có một cái Tết thật ấm no, còn chúng tôi, những người làm công tác chính sách đã bắt đầu từ giây phút ấy phải đối mặt với những vấn đề phức tạp thường xảy đến trong công tác chính sách... Nhưng cuối cùng, mọi chuyện cũng qua đi trong sự suôn sẻ, "cơn bão chính sách" cũng đã lắng dịu cùng với nhịp sống sôi động của xã hội.
Ngày 4/9/2009, nhận được Quyết định của Chủ tịch huyện đi học Sỹ quan dự bị ở Hải Dương 03 tháng. Bỏ lại những công việc bộn bề ở cơ quan, tôi bắt đầu vác ba lô vào quân ngũ. Và thực sự đây cũng là nơi mà tôi đã nếm trải những dư vị đặc biệt của cuộc đời người lính. Lần đầu tiên trong đời được sống cuộc sống của những người lính, cũng ăn cơm tập thể, cũng gò mình vào những nền nếp quân sự, cũng hành quân ra thao trường, cũng mang vác trên vai hành trang của người lính... Ở nơi đây có quá nhiều những đầu tiên đối với tôi. 3 tháng, gần 90 ngày và n những kỷ niệm, điều mà tôi nhớ nhất trong quân ngũ đó chính là tình đồng chí, đồng đội, lối sống có kỷ luật, nề nếp. Thực sự trước đó tôi chỉ biết đến cuộc sống của quân đội qua những lời kể của bố và mẹ tôi - cũng là những cựu chiến binh. Và tôi tin rằng, những gì học được trong quân ngũ cũng sẽ giúp tôi hiểu hơn rất nhiều về cuộc sống, cảm thông hơn với những người lính đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Kết thúc khóa học 3 tháng với chứng nhận tốt nghiệp loại giỏi - điều mà trong số hơn 20 anh em tỉnh Hà Nam cùng khóa học không ai làm được và tấm giấy khen của hiệu trưởng nhà trường, thực sự với tôi đó là một niềm vui khó tả. Tôi đã trải qua những thời khắc huấn luyện và học tập khó khăn tại trường nhưng rồi nhưng nỗ lực cố gắng của tôi và sự giúp đỡ, động viên của anh em đã giúp tôi làm được những điều mà tôi thực sự thấy đáng giá. "Tấm bằng" đó không chỉ đơn giản là một bằng chứng cho những cố gắng, nỗ lực của tôi trong học tập mà hơn hết đó là sự ghi nhận của một tập thể đối với cá nhân. Tôi thấy tự hào về điều đó và cũng thấy ba mẹ tôi cũng tự hào về điều đó khi chứng kiến những thành công của con trai mình trong môi trường quân đội - cái nơi mà ông bà đã khuyên đừng nên vào khi tôi tốt nghiệp cấp 3 và có ý định thi đại học vào một trường quân đội. Chưa ở nơi đâu tôi được thấy niềm vinh dự như giây phút bước lên bục hội trường lớn trong lễ bế giảng của Nhà trường cùng với số ít những gương mặt tiêu biểu giơ tay chào điều lệnh, bắt tay hiệu trưởng và đón nhận tấm giấy khen có giá trị tinh thần vô giá. Nó sẽ là hành trang cho tôi trong cuộc sống sau này. Và để có được nó chắc cũng không ai biết được là tôi đã trải qua những khó khăn của những ngày đầu tiên nhập ngũ, thậm chí cũng đã có lúc bị đại đội trưởng khiển trách, kỷ luật bằng việc dọn vệ sinh kho đại đội do quên giờ điểm danh vào lúc 20h45 của tối thứ 6 (mới vào chưa quen nên cứ nghĩ tối ngày nghỉ không phải điểm danh và ung dung ngồi uống nước dưới căng tin nhà trường). Tôi cũng tự hào mình là một người sỹ quan quân đội, có thêm một ngày trong năm để mà kỷ niệm mà nhớ đến và mong ngóng những lời chúc mừng - ngày 22/12 (Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam).
Ngày 1/12/2009 trở về cơ quan với công việc thường nhật và bắt đầu một "chiến dịch kinh khủng" - công tác rà soát hộ nghèo hàng năm. Dù là công việc thường niên nhưng chưa bao giờ công việc ấy lại trở nên khó khăn như năm nay. Việc bình xét hộ nghèo sau khi có Quyết định 81 của Thủ tướng Chính phủ đột nhiên trở nên vô cùng phức tạp và thành một vấn đề đặc biệt nhạy cảm.Rất nhiều những đề xuất, kiến nghị, những lời cầu cứu. Tôi đã không có một giây phút nghỉ ngơi để bắt tay ngay vào công việc sau khi "xuất ngũ". Lại là những hôm đi làm về muộn; lại là những giờ phút căng thẳng trong công việc để giải quyết những vấn đề phức tạp phát sinh; lại đối mặt với sự không đồng cảm của một số người... Đôi lúc thấy mệt mỏi, muốn bỏ đi tất cả rồi đến đâu thì đến. Nhưng bản lĩnh của một người đảng viên, của một người cán bộ trẻ không cho phép tôi "buôn súng đầu hàng". Tôi đã cố gắng vượt qua những giây phút khó khăn đó để hoàn thành nhiệm vụ mà tổ chức giao phó. Chắc cũng ít ai biết, chỉ trong một tháng tôi đã sút mất 3kg. Giờ thì đã thấy vui vì những cố gắng của mình ít nhiều cũng đã có kết quả, công việc cũng đã tạm thời được giải quyết những khâu "nóng nhất" và tâm lý thì sẵn sàng chào đón những vấn đề phức tạp tiếp theo. Cố lên, chắc chắn sẽ thành công, trong đầu tôi lúc nào cũng vang lên khẩu hiệu hành động đó.


2. Tình yêu trải qua nhiều giông bão nhưng cuối cùng vẫn tìm ra được giá trị đích thực:
Có lẽ năm 2009 là một năm căng thẳng với tôi trong đủ mọi chuyện trên đời và đương nhiên nó đã khiến cho những mối quan hệ của tôi trở nên phức tạp. "vợ - chồng" đã nhiều lần "cơm không lành - canh không" ngọt mà nguyên nhân lúc nào cũng bắt đầu từ những câu chuyện tầm phào, vớ vẩn. Có lẽ tôi đã chịu áp lực quá nhiều từ công việc. Cũng không ai biết tôi đã ngán ngẩm đến cả việc nghe điện thoại vì nó luôn luôn động chạm đến những vấn đề mà tôi không thể giải quyết được. Cả 03 tháng trong quân đội, tôi muốn bỏ quên tất cả cuộc sống bên ngoài để chỉ học và huấn luyện, để tu luyện thành một con người mới với những suy nghĩ mới, chín chắn và bản lĩnh hơn. Và tôi biết, chính tôi là nguyên nhân để cho mọi chuyện trong các mối quan hệ trở nên phức tạp. Tôi không hiểu tại sao mình lại ích kỷ và nông nổi như vậy: phàn nàn quá nhiều, bày tỏ quá nhiều những bức xúc và cuối cùng là những mối xung đột về quan điểm. Năm 2009 đánh dấu ít nhất 3 "cuộc chiến tranh thế giới" và chúng tôi đã có lúc im lặng trong gần 10 ngày liền. Nhưng có lẽ, cũng như các cụ nói: "ở hiền thì gặp lành", thật may vì người bạn của tôi là một người luôn biết chấp nhận và biết tha thứ để đưa tôi trở lại với những gì tốt đẹp mà tôi vốn có. Tôi đã nhận ra trong cô ấy, một tình yêu đến nhẫn nại, không sôi nổi, cháy bỏng nhưng sâu sắc và đầy sự độ lượng, vị tha. Chúng tôi đã tìm thấy nhau sau những giông bão và mỗi lần như vậy chúng tôi càng thêm gắn bó với nhau hơn, không một trở ngại nào có thể ngăn cản. Tôi tin, đây cũng là điều mà người bạn của tôi cũng nghĩ và luôn nghĩ.


3. Gia đình: nhiều biến động song cuối cùng cũng đều hướng đến những kết cục tốt đẹp
Đầu năm 2009, cả gia đình bàng hoàng với nghi vấn thằng cháu 11 tuổi của tôi có thể bị một căn bệnh quái ác, tiêu tốn một khoản chi phí khổng lồ của gia đình. Đôn đáo, chạy ngược chạy xuôi lo bảo hiểm y tế, lo chuẩn đoán bệnh và điều trị cho cậu bé, cả gia đình đã có lúc rơi vào thảm kịch của những mối lo lắng. Nhìn mẹ tôi khóc cho tương lai mịt mờ của thằng cháu nhỏ tôi chỉ muốn ứa nước mắt và an ủi mẹ: "Thôi, rồi mọi chuyện sẽ qua mẹ à"! Song, có lẽ cuộc sống tần tảo, lam lũ, chất phác hơn 60 năm qua của ba mẹ tôi đã đủ để tích tụ phúc đức để mang đến cho gia đình tôi một niềm vui bất ngờ: sau một thời gian theo dõi và chuẩn đoán bệnh, bác sỹ nở nụ cười nói với gia đình tôi, cậu bé đã trở lại với cuộc sống bình thường. Thật không thể nào tin được. Tôi mừng lắm và thầm cảm ơn phúc đức của ông bà, tổ tiên nhiều lắm. Cũng từ giây phút ấy, tôi bắt đầu tin vào thuyết nhân - quả của cuộc đời và tự nhủ với mình phải không ngừng sống tốt và tốt hơn để xứng đáng với truyền thống của gia đình, với kỳ vọng của mọi người.
Sau sự kiện hãi hùng trên, chị dâu quyết định đi làm tại khu công nghiệp khi thằng con nhỏ chưa đầy 1 năm tuổi để lại công việc chăn nuôi và việc gia đình cho ông chồng đã không thể gắng gượng với những công việc nặng nhọc. Bố mẹ đã phải quyết định bỏ làm thêm để phụ giúp việc chăm sóc cháu nhỏ cho anh chị. "Miếng cơm manh áo" vẫn là cái đè nặng nhất lên cuộc sống của người nông dân như anh chị tôi. Cũng khó khăn đấy, vất vả đấy, rơi nhiều mồ hôi, nước mắt đấy nhưng cuối cùng mọi chuyện cũng đã trở nên tốt đẹp. Cậu con trai lớn lên khỏe mạnh, ngoan ngoãn; việc chăn nuôi của anh chị cũng thành công hơn nhiều so với những thất bại của những năm trước đó; anh chị cũng đã đủ tiền để mua xe máy, mua sắm đồ đạc trong nhà và giờ là tiếp tục mở rộng thêm khu vực chăn nuôi. Tôi tin năm 2009 đã bắt đầu cho những sự thay đổi tích cực trong cuộc sống của anh chị tôi.
Trong những tháng ngày đi học xa nhà, tôi đã không biết rằng bố tôi đã trải qua một thời gian bệnh tình tái phát có lúc trở nên rất nghiêm trọng. Gia đình đã sợ tôi lo lắng nên không báo cho tôi biết thời gian bố phải vào điều trị tại bệnh viện. Tôi về thăm nhà sau 1 tháng rưỡi nhập ngũ, cũng là lần đầu tiên trong đời tôi xa nhà lâu thế. Đơn giản vì đường xá xa xôi, đi lại mất thời gian và tốn kém nên cũng chỉ sắp xếp về một vài lần thăm bố mẹ. Đến lúc ấy tôi mới biết bố tôi đang phải điều trị trong bệnh viện và có thể sẽ phải điều trị trong một thời gian dài. Tôi chợt cảm thấy lo lắng và bất an khi nhìn bố gầy rộc người vì căn bệnh. Bố tôi là bệnh binh vốn đã mang từ chiến trường về đủ thứ bệnh tật trên đời lại ở độ tuổi 63 xế chiều, lo lắng lắm chứ. Mẹ phải vất vả chăm sóc bố, lo thuốc thang, bồi bổ cho bố suốt mấy tháng nay. Thật may vì đã có mẹ. "Con chăm cha không bằng bà chăm ông", các cụ nói chẳng sai bao giờ. Nhờ bàn tay của mẹ tôi, bố tôi đã dần hồi phục trở lại, người thêm da, thêm thịt và tôi lại được nhìn thấy cuộc sống gia đình tôi trở lại với nhịp sống thường nhật như khi tôi chưa đi học. Tôi muốn gia đình tôi mãi như bây giờ, ấm cúng và vui vẻ, cùng bố mẹ mong ngóng một người con dâu mới ngoan ngoãn, cùng anh chị mong ngóng một đứa em dâu hiền, cùng các cháu mong ngóng một người con gái sẽ chiều chuộng chúng và chúng được gọi người đó là Thím. Tôi nghĩ, đôi lúc cũng có những niềm vui nhỏ mà ý nghĩa thật. Cùng với niềm vui đó, tôi đã quyết định chi tất cả số tiền mà tôi thu hoạch được trong quá trình học Sỹ quan dự bị xa nhà vào việc sửa sang nhà cửa, mua sắm đồ đạc. Tôi đã sẵn sàng chào đón người bạn trăm năm của tôi xuất hiện trong căn nhà nhỏ mà ấm cúng này của tôi và ba mẹ tôi...
4. Năm mới và những hy vọng mới
Khép lại một năm nhiều biến động với nhiều những sự kiện xảy đến trong cuộc sống của tôi, chào đón một năm mới với nhiều hy vọng; trong những giây phút này tôi chỉ muốn chúc những lời chúc tốt đẹp nhất tới những người thân yêu của tôi: mong bố mẹ luôn mạnh khỏe để cùng tôi đi tiếp những quãng đường gian nan mà nhiều hy vọng phía trước; mong anh chị và các cháu luôn mạnh khỏe, bình an, công việc suôn sẻ; mong người tôi yêu luôn bên tôi, cùng tôi trải qua những giông bão cuộc đời; mong bạn bè, những người đồng chí, đồng nghiệp của tôi luôn bên tôi và đồng hành cùng tôi trong mỗi bước đi; mong cho tất cả mọi người đều thành công và thành công hơn nữa, hạnh phúc và hạnh phúc hơn nữa.
Năm 2010, năm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại... Một năm có ý nghĩa lớn với cả dân tộc Việt Nam và tôi - một người Việt Nam yêu đất nước mình, mong muốn cả đất nước mình sẽ hóa rồng và bước sang một kỷ nguyên mới. Năm mới, thắng lợi mới.....


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét