18 thg 12, 2009

Tình yêu dưới góc nhìn quản lý xã hội


Một ngày mùa đông, Vô tình lục lại trong đống sách vở cũ và bắt gặp một bài viết cũ từ hồi sinh viên muốn luận bàn về tình yêu mặc dù khi đó chẳng biết gì về tình yêu. Đọc cũng thấy hay hay muốn chia sẻ với mọi người. Biết đâu có phần nào đó lại đúng. Mọi người đọc và cho ý kiến nhé!

Tôi có nhiều dịp để ý xem mọi người yêu đương như thế nào nhưng rốt cuộc tôi đã thất vọng vô cùng.Họ yêu nhau chóng vánh như một bản hợp đồng; cũng rất nồng thắm nhưng cũng chóng tàn phai. Đó là số kiếp của tình yêu chăng?
1. Nguyên nhân thất bại của tình yêu:
Vài cuộc phỏng vấn và một số lý do:
- Yêu và cảm thấy không hợp rồi... BỎ
- Yêu để bù đắp tình cảm thiếu hụt; khi không cần sự bù đắp nữa thì... THÔI.
- Yêu thật lòng, hy sinh thật lòng nhưng... LỖI TẠI HOÀN CẢNH.
- Cả hai quá giống nhau rồi đến lúc cũng phải.... CHIA TAY.
- Yêu và những mối xung đột với... LÝ TƯỞNG.
...
Cứ như vậy,tình yêu hoan lạc rồi lại bi ai; ngọt bùi rồi lại đắng cay thật nhiều.
2. Tình yêu?
"Có ai định nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ ,gió hiu hiu"
(Xuân Diệu)
Con người cần có một trái tim, rất cần bởi nó là nơi nuôi dưỡng bản chất người mà với Khổng Tử đó là "Nhân chi sơ, tính bản thiện" (Bản tính của con người khi vừa sinh ra đã là tốt)
Với Hàn Phi Tử đó là bản chất "tự tư tự lợi" (chỉ biết cái lợi cho mình)
Và với Hồ Chí Minh đó là vai trò của giáo dục:
"Hiền dữ phải đâu là tính sẵn
Phần nhiều do giáo dục mà nên"
Nếu không có trái tim, con người sẽ chỉ là "loài quái vật bị sai khiến bởi lòng tự ái" (Nam Cao)
Người ta nói "Yêu là chết ở trong lòng một ít" và họ giải thích rằng "Vì mấy khi yêu mà chắc được người yêu"
Nhưng, mỗi khi có chiến tranh, mỗi khi lợi ích của dân tộc được đặt lên trên hết thì tình yêu mang một màu sắc mới:
"Tôi yêu đất nước này chân thật
Như ngôi nhà nhỏ bé có mẹ của tôi
Như yêu em nụ hôn ngọt trên môi
Hãy cứ trông đất nước mình thống nhất"
(Trần Vàng Sao)
Người ta không còn toan tính đến việc:
"Cho thì cho nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu
Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết"
(Hồ Zêch)
Người ta:
Sẽ chỉ nói về thứ tình yêu trong trắng - tình yêu mang bản chất xã hội chủ nghĩa với câu nói quen thuộc của thế hệ ngày nay: TÔI YÊU VIỆT NAM.
3. Thể chế tình yêu:
Giới trẻ bây giờ rất năng động. Tình yêu cũng vì thế trở nên giàu sắc thái. Người ta đã gắn cho nó một nội hàm rộng hơn nhiều. Đó là động cơ, là mục tiêu, là lợi và hại... Theo đó, người ta trở nên thận trọng hơn khi quyết định yêu. Điều đó tốt hay xấu? hay hay dở?
Xét về góc độ quản lý xã hội,tình yêu cũng là một loại thể chế với cấu trúc cũng bao gồm cả bốn yếu tố: Thành viên - Quan hệ - Hoạt động - Lợi ích. Nếu nhìn dưới góc độ đó, việc quản lý thể chế này cần thực hiện hai mảng hoạt động:
Mảng hoạt động thứ nhất: Thiết kế thể chế
Thực chất đó là quá trình mường tượng, hình dung trước về thể chế với cả bốn yếu tố nêu trên. Theo đó ta có hai dạng hoạt động:
Một là: Thiết kế thể chế về mặt cấu trúc: Được quy ước là thiết kế về thành viên và quan hệ của thể chế. Đó cũng chính là quá trình tư duy,mường tượng của chủ thể quản lý về:
- Thành viên: Người ta phải hình dung trước thành viên cấu thành thể chế. Ở đây là tư duy về mẫu hình lý tưởng, về người bạn đời lý tưởng.
- Quan hệ: Người ta phải hình dung trước và xác lập trong tư duy các mối quan hệ của thể chế. Thể chế tình yêu bao hàm trong đó một mối quan hệ đơn nhất có tính thuận nghịch. Công việc này là công việc người ta sẽ hình dung, sống trong tình yêu người ta sẽ yêu thương rồi giận hờn nhau như thế nào.
Hai là: Thiết kế thể chế về mặt lợi ích: Được quy ước là thiết kế về hoạt động và lợi ích của thể chế. Cũng vẫn sẽ là một sự mường tượng về:
- Hoạt động: Người ta sẽ hình dung khi yêu người ta sẽ thực hiện các hoạt động nào (đi chơi, ghen, giao lưu tình cảm, những nụ hôn và những ánh mắt...)
- Lợi ích: Người ta phải hình dung trước các lợi ích có thể mang lại từ tình yêu. Có nhiều dạng lợi ích của thể chế:
+ Lợi ích của thể chế (thiếu nó thể chế không tồn tại)
+ Lợi ích trong thể chế (thiếu nó thể chế vẫn tồn tại bình thường)
+ Lợi ích của thành viên.
+ Lợi ích bên trong, bên ngoài.
+ Lợi ích trước mắt, lâu dài.
...
Theo đó người ta phải hình dung tất cả các loại lợi ích này trong tình yêu. Ví dụ, lợi ích của thể chế như sự yêu thương, sự giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ, giải tỏa tâm sinh lý...; lợi ích trong thể chế như sự tư lợi, sự trả thù...
Khi thiết kế thể chế về mặt lợi ích cần lưu tâm, thiết kế cả lợi ích cần thực hiện và lợi ích không thực hiện. Thông qua đó để thực hiện các tác động quản lý.
Mảng hoạt động thứ hai: Thi công thể chế
Cũng là thi công thể chế về mặt cấu trúc và lợi ích. Thực chất đây là quá trình hiện thực hóa mảng thiết kế làm cho nó có cơ sở tồn tại trên hiện thực và tồn tại trên hiện thực. Trong tình yêu nó gắn với việc: Tìm bạn trăm năm, vượt qua mặc cảm, xác định và thực hiện lợi ích chính đáng, dung hòa những mặt đối lập giữa hai người, giải quyết những mối xung đột nhằm bảo vệ tình yêu.
Khi thi công thể chế về mặt lợi ích cần chú ý, chỉ thi công những lợi ích cần thực hiện mà không thi công những lợi ích không thực hiện. Thực hiện được điều này người ta sẽ giữ gìn được một tình yêu trong sáng, lành mạnh và lâu bền.
Như vậy, dưới góc độ quản lý xã hội, tình yêu được xem xét như một thể chế. Cần hiểu thể chế ở đây là một tổ chức (thiết chế) với các nội quy ràng buộc tổ chức đó.
Một điều đặc biệt quan trọng trong lý luận về thể chế là, bất cứ một thể chế nào cũng phải tuân theo một quy luật gồm ba giai đoạn:
Giai đoạn tạo ra thể chế để quản (tương ứng với mảng thiết kế)
Giai đoạn duy trì sự tồn tại của thể chế
Giai đoạn giải thể thể chế
Trong đó việc giải thể thể chế thực chất là việc thực hiện tiếp việc thiết kế cho một thể chế khác. Đó là một vòng tròn khép kín. Ta sẽ hiểu tại sao người ta yêu nhau rồi lại giận hờn nhau và sau đó là chia tay nhau. Thực chất đó là quy luật mang nền tảng hiện thực có cơ sở khoa học. Tình yêu vì thế là thứ tồn tại vĩnh cửu, sinh biến liên tục, tuần hoàn, không có một trở lực nào có thể ngăn cản nổi. Đừng quá thất vọng vào những trở ngại trong tình yêu vì có thể lắm chứ lúc đó là lúc bạn đang thiết kế cho tình yêu của bạn.
Trên đây là việc luận giải về tình yêu dưới góc nhìn quản lý xã hội. Nó hoàn toàn là một khối lý luận vững chắc, không thể bác bỏ đã được thực tế chứng minh. Việc quản lý thể chế này thực chất là việc hoàn thiện hai mảng hoạt động thiết kế và thi công thể chế về hai dạng cấu trúc và lợi ích của thể chế. Rất mong ai đó hãy suy nghĩ vì thực chất nó vô cùng có ích cho chúng ta, cho tuổi trẻ đang dạt dào nhựa sống, sung mãn giữa một mùa xuân của tuổi trẻ và tình yêu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét