"Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối", từ hồi còn học phổ thông tôi đã thấy ấn tượng với câu nói này của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Thiết nghĩ, nó đã giống như một "tuyên ngôn nghệ thuật" giống như Nam Cao đã hai lần hô vang trong các sáng tác văn chương của mình qua "Đời thừa" và "Đôi mắt". Hơn lúc nào hết, nó là cái nhìn chân thực về nghệ thuật, là thước đo định hướng cho sáng tác nghệ thuật.
Ấn tượng Sao Mai
Với những Sao Mai đã và đang sáng trên bầu trời âm nhạc Việt Nam, những "tuyên ngôn nghệ thuật" như trên cũng cần phải sáng lên trong những ngôi sao sáng ấy. Tôi đến với âm nhạc như một sở thích bình dị. Tôi không có nhiều kiến thức về nó. Chỉ đơn giản là người cảm nhận theo kinh nghiệm sống và chút nhạy cảm nhất định mà thôi.
Từ khi Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc được tổ chức lần đầu tiên đến khi nó được đổi tên thành SAO MAI, tôi đã dõi theo từng khoảnh khắc tỏa sáng của các Sao Mai trên bầu trời âm nhạc. Từ Phương Nga đến Trọng Tấn, từ Hoàng Tùng đến Tuấn Anh, Từ Lê Anh Dũng đến Quốc Hảo, từ Tân Nhàn đến Bùi Lê Mận... Họ là những tài năng thực sự đã mang đến một sức hấp dẫn đặc biệt cho Sao Mai. Từ khi Trọng Tấn hát "Tiếng đàn bầu" hình như dân tộc Việt Nam đã trở nên đẹp và huyền thoại hơn rất nhiều. Từ khi Hoàng Tùng hát "Tôi là người thợ mỏ" thì hẳn những người công nhân ngành than đã có thể nhân đôi sức mạnh lao động. Từ khi Lê Anh Dũng hát "Dương cầm thu không em" thì dường như Hà Nội đã lên đỉnh cao của nét hào hoa, thanh lịch. Và khi Tân Nhàn hát "Trăng khuyết", bầu trời dân gian Việt Nam đã có thêm một vầng trăng và khi Bùi Lê Mận hát "Khúc hát sông quê" thì hẳn hơn 3000 dòng sông đất Việt đã có lúc được trở mình khắc khoải. Đó là những giá trị cuộc sống đích thực mà những Sao Mai đã mang đến cho cuộc đời. Tôi thấy, trong vô vàn các chương trình truyền hình hấp dẫn, Sao Mai vẫn ở trong lòng người xem một ấn tượng đặc biệt bởi ở đó không phải chỉ là sân chơi nghệ thuật, đấu trường cho các cuộc tỷ thí mà đó còn là tiếng quê hương, hồn dân tộc và niềm tự hào bản xứ. Tôi đã thấy, cả người dân Thanh Hóa náo nức chờ đón Trọng Tấn lên sàn Sao Mai bằng niềm yêu với đứa con cưng. Tôi đã thấy hơn 800 nghìn người dân Hà Nam đã thấp thỏm trước khi Tân Nhàn ca lên câu hát trong trẻo:
"Một ngàn năm, một vạn năm
Con tằm vẫn kiếp con tằm giăng tơ
Ai ơi chín đợi mười chờ
Chờ ai, ai đợi, ai chờ, đợi ai"
Tân Nhàn ngày trở thành Sao Mai
Hạnh phúc bắt đầu từ Sao Mai
Nó đã vượt qua biên giới nghệ thuật và thăng hoa thành tình yêu đất nước, quê hương.
Tôi có dịp học cùng và hát cùng Tân Nhàn cả 3 năm cấp 3 và biết rõ về tài năng của con người ấy hơn 7 năm về trước. Khi nghe tiếng hát của cô ấy thì dường như ai cũng sẵn sàng "chết chìm trong nghệ thuật". Căn nhà nhỏ bé bên dòng sông Đáy, bên cạnh những ống khói hàng ngày vươn mình lên trời cao của một xí nghiệp gạch, đã hun đúc cho một tài năng nghệ thuật tỏa sáng. Tôi biết cả cái cảm giác vui mừng của Nhàn khi đỗ vào Nhạc viện Hà Nội và có lẽ, sự tỏa sáng của một ngôi sao đã bắt đầu từ những giây phút ấy. Và cuộc gặp gỡ trong Lễ khai giảng năm học 2003 - 2004 của Trường THPTA Kim Bảng, cho đến nay là lần cuối cùng tôi có dịp bên cạnh ngôi sao ấy.
Trọng Tấn trên sân khấu ca nhạc
Trọng Tấn cùng gia đình
Trọng Tấn cùng chiếc xe Camry 93 với giá 18.000 USD từ tiền các sê tích cóp
Tôi rất mến mộ giọng hát của Trọng Tấn và không ngại để khẳng định anh là ngôi Sao Mai sáng nhất. Tôi biết đến Trọng Tấn là một con người nhu mì, ít nói, xuất thân trong một gia đình nghèo và lập thân bằng những bước đi khó nhọc nhưng đầy vinh quang. Tôi gặp anh bên cánh gà trong một chương trình giao lưu văn nghệ với sinh viên tại KTX Mễ Trì (ĐHQG Hà Nội), nói vài câu chuyện tầm phào và tôi bắt đầu có ấn tượng với con người anh từ khi ấy. Phải nói, Trọng Tấn có một chất giọng nam cao tuyệt đẹp pha chút dư vị ngọt ngào của dân gian là cho giọng hát của anh rất dễ hút hồn người nghe. Từ "Tiếng đàn bầu" đến "À í a" rồi đến "Điều giản dị", có thể nói, Trọng Tấn có thể hát và hát hay ở rất nhiều thể loại. Chàng trai xứ Thanh thực sự là một tài năng nghệ thuật đáng được trân trọng.
Tôi gặp gỡ và nghe Lê Anh Dũng hát từ khi anh ấy còn vô danh và thi thoảng xuất hiện tại Aladin's quán của NSND Thanh Hoa và hát cho những giới mộ điệu nghe. Bài hát đầu tiên mà tôi nghe anh ấy hát là ca khúc "Thuyền và Biển" của nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu mà tôi rất yêu thích. Vì xúc động trước những ca khúc của anh tại lần cùng Công ty nơi tôi làm việc đến dự tiệc ở Aladin's quán mà tôi đã táo bạo xung phong lên sân khấu của quán cô Hoa và trổ tài trước giới nghệ sỹ. Thật bất ngờ khi tôi đã được đón nhận những sự động viên đầy xúc động của giới nghệ sỹ và công chúng có mặt tại buổi tiệc cũng như những đồng nghiệp.
Lê Anh Dũng trong giây phút đăng quang Sao Mai
Lê Anh Dũng cùng "bà xã" tương lai - MC Hòa Trinh
Cũng tại buổi biểu diễn đó, tôi đã được chứng kiến tài năng của Thành Lê (một trong những Sao Mai thành danh sau này).Ấn tượng của tôi về Lê Anh Dũng cũng bắt đầu từ ấy và thật vui mừng khi chứng kiến anh lên ngôi cao nhất tại Sao Mai 2007.
Những lời nhắn nhủ
Rất nhiều những Sao Mai như một số báo chí đánh giá, vụt sáng trong đêm chung kết rồi biến mất. Thiết nghĩ đây là một câu chuyện dài. Tôi lại nhớ lại câu nói của Nguyễn Minh Châu. Các Sao Mai đã tỏa sáng bằng những ánh sáng thật và tôi tin khi họ tiếp tục sáng thì họ vẫn có thể làm nên nghệ thuật. Tuy nhiên, cuộc đời không bao giờ dễ dàng với bất kể ai. Cơ chế thị trường đang đưa mọi thứ vào những guồng quay nghiệt ngã trong đó có cả nghệ thuật - một thứ tưởng như tồn tại độc lập. Các Sao Mai nếu muốn tiếp tục tỏa sáng, hãy không ngừng rèn luyện mình về cả chuyên môn và đạo đức. Tôi nghĩ Trọng Tấn là một tấm gương sáng. Từ một chàng trai nhà nghèo đến một Sao Mai với một cuộc sống bình dị. Anh đã thực sự chiếm lĩnh được sự yêu mến của giới yêu nhạc với biệt danh "hoàng tử nhạc đỏ". Các Sao Mai đừng bao giờ biến mình thành "ánh trăng lừa dối". Hãy hát bằng trái tim, hát bằng tình yêu quê hương đất nước. Sự chân thực sẽ khiến nghệ thuật được thăng hoa.
Xin chúc các Sao Mai thành công và thành công hơn nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét