22 thg 9, 2020
Tuổi trẻ Hà Nam: 20 năm với phong trào Thanh niên tình nguyện
Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hà Nam lần thứu V, nhiệm kỳ 2019 - 2020 được diễn ra đúng thời điểm các cấp bộ Đoàn, Hội từ Trung ương đến địa phương đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 20 năm phong trào “Thanh niên tình nguyện”. Thanh niên Hà Nam đã góp công sức của mình cùng với thanh niên cả nước tạo nên dấu ấn của phong trào “Thanh niên tình nguyện” trong suốt 20 năm qua.
Còn nhớ, 20 năm trước, trong thời điểm chuyển giao thiên niên kỷ, Trung ương Đoàn đã chính thức phát động phong trào “Thanh niên tình nguyện” nhằm mục đích phát huy cao độ tinh thần xung phong, tình nguyện của thanh niên trong tham gia xây dựng và phát triển đất nước. Phong trào đã để lại một dấu ấn sâu đậm của thế hệ trẻ trong thời kỳ hòa bình, xây dựng đất nước, đã góp phần tích cực phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh quốc phòng, đã được các cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận. Với các hoạt động mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, đậm tính nhân văn, phong trào “Thanh niên tình nguyện” đã trở thành môi trường để thanh niên rèn luyện, học hỏi, cống hiến và trưởng thành.
Xác định rõ mục đích, ý nghĩa, vai trò của phong trào, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã tích cực triển khai phong trào trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Các cấp bộ Hội trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phong trào để các cấp ủy, chính quyền, hội viên, thanh niên và nhân dân hiểu rõ về giá trị của phong trào, từ đó có sự hỗ trợ, đồng hành với thanh niên trong việc triển khai thực hiện và thanh niên có nhiều điều kiện để phát huy vai trò của mình trong quá trình thực hiện phong trào. Mục tiêu của phong trào được xác định, ngoài việc tạo môi trường để thanh niên rèn luyện, học hỏi, cống hiến và trưởng thành, còn là phát huy vai trò của thanh niên trong tham gia giải quyết các vấn đề an sinh xã hội tại địa phương với nhiều công trình, phần việc thiết thực, ý nghĩa tham gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Phong trào đã ngày càng tạo ra sức hút, sôi nổi, khí thế, lôi cuối nhiều hội viên, thanh niên tham gia.
20 năm qua, việc triển khai phong trào “Thanh niên tình nguyện” của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đáng khích lệ.
Công tác tuyên truyền trực quan được các cấp bộ Hội chú trọng triển khai thực hiện. Toàn tỉnh đã phát hành hàng chục nghìn panô, áp phích, băng rôn, đăng tải trên các trang mạng xã hội hàng chục nghìn bài viết, tuyên truyền về các hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ trong các Chiến dịch Thanh niên tình nguyện. Công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương được chú trọng thực hiện với hàng nghìn tin bài, phóng sự được phản ánh trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam, Báo Hà Nam, Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Nam; qua đó đã phản ánh rõ nét các nội dung tình nguyện của thanh niên, nhất là các gương điển hình tiên tiến và các mô hình, cách làm sáng tạo trong phong trào tình nguyện tại cơ sở.
Trong suốt chặng đường 20 năm của Phong trào, toàn tỉnh đã thành lập được hàng nghìn đội hình thanh niên tình nguyện, tiêu biểu như các đội hình tình nguyện “Hoa phượng đỏ”, “Hành quân xanh”, “Kỳ nghỉ hồng”, “Mùa hè xanh”, đội hình “Tiếp sức mùa thi”, “Đội thanh niên tình nguyện 26/3”, “Đội thanh niên xung kích 15/10”; đội hình thanh niên tình nguyện cấp huyện, cấp xã, Đội thanh niên xung kích bảo vệ môi trường, Đội thanh niên xung kích bảo vệ dòng sông quê hương, Đội thanh niên xung kích tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tuyên truyền pháp luật, tham gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh… Việc triển khai các đội hình có sự gắn kết giữa các đội hình tình nguyện tập trung với các đội hình tình nguyện tại chỗ, có sự phối hợp giữa các đội hình tình nguyện trong và ngoài tỉnh, trong đó chú trọng phát huy vai trò của hội viên, thanh niên đang sinh sống, học tập tại địa phương làm nòng cốt trong việc triển khai thực hiện.
Từ việc triển khai các đội hình tình nguyện đã xuất hiện nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả của thanh niên tham gia giải quyết nhiều vấn đề xã hội như: Mô hình ứng cứu nhanh tai nạn giao thông trên quốc lộ 1A; mô hình quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thông qua các hình thức như rửa xe gây quỹ, lao động cộng sản gây quỹ, làm phóng sự về hoàn cảnh đối tượng để kêu gọi sự ủng hộ, quyên góp tiền của, vật chất; mô hình tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông trong trường học; mô hình nhận đỡ đầu, giúp đỡ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng; mô hình “Cùng nông dân thoát nghèo”,… Các mô hình được triển khai thực hiện trên cơ sở phát huy tính sáng tạo của thanh niên, phù hợp với tình hình của các địa phương, đơn vị. Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền chăm lo đến đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền thể hiện rõ tính chủ động, sáng tạo của thanh niên nhằm kêu gọi sự ủng hộ đối với phong trào “Thanh niên tình nguyện”. Các cấp bộ Hội đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều giải pháp thực hiện thông qua các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án cụ thể. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa được đặc biệt quan tâm nhằm kêu gọi sự phối hợp, ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, tạo nguồn lực vật chất và tinh thần cho việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án do thanh niên làm chủ.
Công tác thi đua, khen thưởng được quan tâm chú trọng. Ban Thư ký Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh hằng năm đều phát động các phong trào thi đua trong “Tháng Thanh niên”, “Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè”, giao chỉ tiêu và kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện của các đơn vị để thường xuyên nắm bắt tình hình, ghi nhận, biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện các hoạt động tình nguyện; đồng thời uốn nắn, nhắc nhở các tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt, chưa nghiêm túc.
Trong 20 năm qua, những kết quả nổi bật trong Phong trào "Thanh niên tình nguyện” của tỉnh có thể kể đến như: Các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” nhằm giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn; tu sử, làm đẹp các nghĩa trang, tượng đài liệt sỹ; tổ chức Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ vào tối 26/7 hàng năm; tổ chức tư vấn, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân; xây dựng Nhà nhân ái; vận động hiến máu tình nguyện; tổ chức các hoạt động “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”; tham gia ứng phó với thiên tai, lũ lụt, bảo vệ môi trường; làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng; tham gia xây dựng cảnh quan nông thôn, đô thị với nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả; tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn dân cư….
Giờ đây, mỗi khi nhắc tới Phong trào “Thanh niên tình nguyện”, mọi người sẽ nghĩ tới thế hệ trẻ và hình dung ra màu áo xanh tình nguyện. Đó là niềm tự hào của mỗi thanh niên Việt Nam và tổ chức Hội LHTN Việt Nam./.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét