Đã từng có mặt quá nhiều ở các sân khấu lớn có, nhỏ có, nghiệp dư có, chuyên nghiệp cũng có nhưng không hiểu sao đêm ngày 19/11/2009 với mình lại có nhiều dấu ấn đến thế. Một đêm công diễn các tiết mục đặc sắc đã được lựa chọn từ 05 tiểu đoàn thuộc Nhà trường trong chương trình hướng tới kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, mình được tham gia với 3/15 tiết mục của cả đêm diễn. Có lẽ với mình đây là buổi biểu diễn đơn giản nhất, không chỉ đơn giản là một hội thi mà sau đó tiểu đoàn của mình đã giành được giải nhất mà đây chính là tấm lòng của người chiến sỹ dành cho những người thầy quân đội. Mình hồi hộp chờ đợi từng tiết mục của mình. Và cũng đã có thật nhiều điều bất ngờ, thú vị.
"Vết chân tròn trên cát" của nhạc sỹ Trần Tiến là bài hát mà mình được Nhà trường đặc cách chọn (sau lần biểu diễn thành công tại ngày Văn hóa tinh thần cách đó không lâu) biểu diễn trong đêm văn nghệ với kỳ vọng là một tiết mục đặc sắc nhất trong đêm công diễn. Và đây cũng là một bài hát mà mình cảm thấy khó hát nhất từ trước đến nay. Khó không chỉ vì mình phải ôm đàn ghi ta để hát (trong khi khả năng ghita của mình chỉ ở mức độ); khó không chỉ vì mình phải theo ý của đạo diễn Nhà trường bước ra sân khấu với cái nạng trên tay và bộ quần áo K03 cũ rích, không quân hàm, quân hiệu, cùng với chiếc mũ tai bèo buông sau lưng (một hình ảnh đẹp của người thương binh ở những miền quê). Nó khó bởi đây là một bài hát về người thương binh, về người lính, người chiến sỹ, và mình thì đang là một chiến sỹ, hát tặng cho các thầy giáo quân đội. Ngần ấy sức ép khiến cho tiết mục này của mình thực sự là một tiết mục "xương xẩu". Mình đã dầy công tập luyện bài hát này rất lâu với khoảng 4 cây đàn ghi ta và nhiều cách đánh, cách dãn nhịp, cách nhả âm...Cuối cùng cũng có một sự lựa chọn mà sự lựa chọn đó cuối cùng đã được mọi người đón nhận với sự nồng nhiệt. Mình bước ra sân khấu với cây nạng gỗ và cây đàn ghita, thả hồn mình vào trong từng giai điệu nhạc, cả một không gian sân khấu rộng (có đến hàng nghìn người) im bặt trong cảm xúc nghệ thuật và mình nghĩ mình đã thành công - một ca khúc, một tiết mục mà mình sẽ nhớ mãi không bao giờ quên. Chỉ tiếc, âm thanh của buổi biểu diễn không thật tốt nên phần đệm ghita hơi bị trầm song cuối cùng nó đã được sự đón nhận đầy xúc động của mọi người và mình nghĩ mình đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tiết mục thứ 2 cách "Vết chân tròn trên cát" 2 tiết mục - "Tiếng trống Paranưng" cũng của nhạc sỹ Trần Tiến. Có thể không ngoa khi tự đánh giá đây là tiết mục có tính nghệ thuật cao nhất tại buổi biểu diễn bởi đó là tiết mục được đạo diễn tự biên, những động tác múa chăm sinh động và phần phối bè hợp lý do chính 3 anh em chúng tôi tự xây dựng. Chúng tôi đã tập tiết mục này trong một thời gian rất dài. 3 anh em của tiểu đội 3 - 3 người tạo nên một tam ca chứ danh tại Trường trong thời gian đó. Ai đó khi nghe tiết mục này cũng phải công nhận - hay và đặc sắc. Đặc biệt phần trang phục áo chăm được cách điệu với sơ mi trắng và quần sáng màu đã tôn lên hình ảnh của ba "ngôi sao" trên sân khấu trong đêm công diễn đó. Bài hát rất xứng đáng với công sức mà 3 anh em đến từ 2 tỉnh Hà Nam và Hòa Bình đã dầy công tạo nên. Hy vọng nó cũng sẽ món quà tuyệt vời gửi tặng tới các thầy giáo quân đội trong ngày 20/11.
Tiết mục thứ 3 - "Bài ca người giáo viên nhân dân" của nhạc sỹ Hoàng Vân, theo ý định ban đầu của Ban tổ chức của tiểu đoàn sẽ là tiết mục của đơn ca Minh Tình và là món quà ý nghĩa dành tặng cho các thầy trong ngày ý nghĩa này. Song cũng là duyên kỳ ngộ khi ca khúc được giao quá muộn trước đêm thi tại Tiểu đoàn và tôi không có khả năng để học thuộc được bài hát này. Trong tình thế đó, song ca là giải pháp khả dỹ nhất để có thể lấp đi những "khoảng trống khuyết điểm". Thật bất ngờ khi tiết mục khiên cưỡng đó đã gây được ấn tượng rất mạnh trong lòng khán giả tại cuộc thi cấp tiểu đoàn. Giọng trầm ấm, tình cảm của hai thanh niên trẻ trong bộ quân phục K03, cùng với tác phong đĩnh đạc, chuyên nghiệp của hai chiến sỹ trẻ trên sân khấu đã làm cho tác phẩm âm nhạc đó trở thành một lời tâm sự thực sự chân thành và có ý nghĩa đối với người xem, được người xem đón nhận với những tình cảm đẹp. Đến với buổi công diễn tại Nhà trường, điều đặc biệt là "sơ đồ chiến thuật" đã được thay đổi theo gợi ý của đạo diễn tiểu đoàn từ song ca thành tam ca. Vậy là tam ca của "Tiếng trống Paranưng" lại có dịp được thể hiện trước công chúng với một phong cách hoàn toàn khác, không ngẫu hứng mà đầy tình cảm, không cách điệu mà đầy chỉnh chu. Ca khúc được cất lên trong sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả và chúng tôi biết công sức của chúng tôi, tình cảm và sự cố gắng của chúng tôi đã được đền đáp bằng một tiết mục thành công, gây ấn tượng mạnh trong lòng khán giả.
Chương trình kết thúc, với cái bắt tay hồ hởi và đầy thán phục của một số khán giả chiến sỹ trẻ dành cho tôi cuối sân khấu (cũng hơi đỏ mặt vì ngại - sao giống các SAO CA NHẠC thế, chỉ khác thiếu mỗi nước xin chữ ký). Chúng tôi trở về doanh trại với vẻ hân hoan, phấn khởi vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Tiếp sau đó là những phút ngẫu hứng đặc sắc với những kiểu ảnh có một không hai. Thật đáng nhớ, thật khó quên - một đêm diễn văn nghệ đầy kỷ niệm. Xin dành tặng những tấm lòng đó cho những người thầy đáng kính trong ngày đặc biệt và xin dành tặng cho các chiến sỹ - những người đã mang đến cho cuộc đời màu xanh của sự bình yên